Người xưa có câu: “Mệnh lý nhất xích, nan cầu nhất trượng” (Mệnh trong một thước, khó cầu một trượng).
Căn nguyên của mọi thói hư tật xấu, đó chính là lòng tham và mọi sự phiền não cũng từ đó sinh ra. Học cách buông bỏ không đòi hỏi quá nhiều, bạn mới có thể duy trì một tâm trạng tốt. Bởi vì an nhiên, cho nên tự tại. Hiểu được giá trị đích thực của sinh mệnh, mới được hưởng phúc.
Mong muốn, không mong muốn điều gì
Nhà triết học, tư tưởng học Vương Dương Minh thời nhà Minh, từng nói: “Khả dục giả thị ngã vật, bất khả phóng thất; bất khả dục giả phi thị ngã vật, bất khả lưu tàng” (thứ mà mình có thể có được thì là của mình, không thể mất. Thứ mà mình không thể có được thì không phải là của mình, không thể cất giữ). Vương Dương Minh tin rằng, làm người cần phải biết “số mệnh” và “thời vận”. Cái gọi là “chờ thời, chờ mệnh” ấy cũng chính là thiên ý: không nóng vội, không đòi hỏi, không cưỡng cầu. Điều gì đến ắt sẽ đến, điều gì chưa đến thì hãy kiên nhẫn, thời cơ đến vạn sự tất thành.
Người xưa thường nói: “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu” (trong mệnh có thì nên có, mệnh không có thì chẳng thể cưỡng cầu). “Oan gia ngõ hẹp”, điều gì thuộc về bạn thì cho dù có tránh cũng không được. Điều gì không thuộc về bạn thì cho dù cầu cũng không gặp, dù gặp được đi chăng nữa cũng chỉ như gió thoảng, hương đưa mà thôi. Vì thế, trong cuộc sống lại càng không nên tính đếm chuyện được mất, cũng không nên đòi hỏi ở bản thân mình quá nhiều.
Người biết đủ thì cho là đủ, chờ đủ không biết bao giờ cho đủ. Người biết đủ thường thấy an lạc, hạnh phúc. Sinh mệnh của một đời người, phú quý hay sang hèn, sống lâu hay đoản mệnh hết thảy đều đã được ông Trời an bài. Vạn sự vạn vật đều thuận theo lẽ tự nhiên, như nước trôi theo dòng.
Tống khứ dục vọng, biết ý trời
Vương Dương Minh nói: “Khứ đắc nhân dục, tiện thức thiên lý” (tống khứ dục vọng liền biết thiên ý). Chỉ khi tiết chế được dục vọng, con người mới có thể hiểu được “thiên đạo hữu thường”, có rất nhiều sự tình đều không theo nguyện ý của người mà cải biến. Trên đời này, vạn sự vạn vật đều có quy luật của nó: Nước chảy trên đất chưa bao giờ cố ý chọn đường đi, cành cây lay động cũng không đối nghịch lại chiều gió. Ấy là sự vật trong giới tự nhiên đều hiểu được đạo lý “nước trôi theo dòng”. Song một người mong muốn thuận theo lẽ tự nhiên thì lại không phải là chuyện dễ dàng.
Trang Tử nói: “Tiền tài bất tích, tắc tham giả ưu. Quyền thế bất vưu tắc khoa giả bi”. Đối với người theo đuổi tiền tài mà nói, thì họ luôn cảm thấy mình tích luỹ chưa đủ nhiều, vì không thoả mãn dục vọng mà tự cảm thấy sầu ưu. Người theo đuổi địa vị, thì luôn cảm thấy chức vị của mình chưa đủ cao, xấu hổ vì khoe khoang mà tự tâm bi thương. Rất nhiều người trong chúng ta, chỉ vì quá tham lam muốn giành giật được nhiều thứ mà lại vô tình đánh mất những thứ vốn có của mình. Chính vì vậy họ đã tự chuốc lấy phiền phức và hậu quả là phải gánh chịu vô vàn rắc rối trong cuộc sống. Cái thói ở đời “được voi đòi tiên” chính là một thói hư tật xấu thâm căn cố đế cần phải buông bỏ.
Sống trên đời, được – mất chẳng thể cưỡng cầu
Phật gia giảng, làm người có bảy nỗi khổ: Sinh, lão, bệnh, tử, oán hận, biệt ly, cầu không được. Cái gọi là “cầu không được” chính là khi con người ta mong muốn chiếm hữu được nhiều thứ nhưng lại không có được nó trong tay. Vì thế mà tự cảm thấy giày vò, ăn không ngon ngủ không yên, không thể vượt qua được ước vọng của cuộc đời mà tự mình làm khổ mình. Nhà hiền triết Vương Dương Minh đã nhận thấy rằng, làm người nên “cầu giảm chứ không cầu tăng”. Dường như rất khó tìm thấy một người mà trong tâm ít truy cầu. Trái lại, người ta luôn luôn cầu mong có được thật nhiều. Một khi cầu không được thì tự trong tâm cảm thấy như mình bị mất mát, mà thất vọng về bản thân. Đó chính là tự mình làm tổn thương mình.
Văn hào nổi tiếng thời nhà Đường, Liễu Tông Nguyên, trong tác phẩm “Phụ Bản truyện” đã viết về một loài sâu. Truyện kể rằng có một loài sâu thường cõng trên lưng rất nhiều những con tiểu trùng nhỏ. Chỉ cần trên đường đi gặp được bất kể vật gì là nó liền bắt lấy rồi đặt lên lưng. Người ta nhìn thấy đều cho rằng con sâu này thật quá đáng thương và muốn loại bỏ bớt những thứ rác rưởi trên lưng xuống cho nó. Nhưng nó liền chộp lại mọi thứ và tiếp tục cõng lên lưng chỉ cần nó còn có một chút sức lực. Vì thế, gánh nặng nó phải mang trên lưng mỗi lúc một nhiều lên và dần dần nó bắt đầu thấm mệt. Thiết nghĩ trong cuộc sống, nếu một người có quá nhiều tham vọng và có thói quen vơ vét thì cũng chẳng khác nào loài sâu kia, tự tạo gánh nặng cho mình trong vô thức. Âu cũng là phát xuất từ lòng tham vô đáy, có một muốn mười, để rồi chẳng có ngày nào sống yên thân.
Vậy nên học cách giảm bớt những thứ không cần thiết và không cố chiếm hữu những thứ vốn không thuộc về mình, nới lỏng bản thân một chút thì tâm sẽ đủ đầy. Ví như, khi chúng dùng tay bốc một nắm cát lên, nếu nắm tay càng chặt thì lượng cát chảy qua các kẽ ngón tay ngày càng nhiều. Ngược lại nếu chúng ta có thể nới lỏng tay một chút thì lượng cát trong tay sẽ có thể giữ được nhiều hơn.
Trong bộ Tứ Thư, sách Trung Dung có viết rằng: “Tố phú quý hành hồ phú quý, tố hoạn hạn hành hồ hoạn nạn” (Người phú quý thì sống theo phú quý. Người nghèo khó thì sống theo nghèo khó. Ở chốn quê mùa thì sống theo quê mùa. Lâm vào hoạn nạn thì sống trong hoạn nạn). Như thế chính là, mình đáng nên làm người như thế nào, thì hãy làm người như thế ấy. Vương Dương Minh từng nói: “Nhân sinh đạt mệnh tự sái lạc” (đời người biết mệnh thì có thể sống vui vẻ). Sống trên đời dù bần tiện hay phú quý hết thảy đã có thiên mệnh. Chỉ có nhờ vào sự bứt phá nhân tâm mà có thể nhảy thoát ra khỏi nghịch cảnh. Hạnh phúc là thứ chưa từng có hình thức cố định, điều quan trọng là cách chúng ta đối xử với cuộc sống như thế nào. Trong cõi nhân sinh không ai là không có nhược điểm, cho nên không nhất thiết phải so đo với người khác. Biết trân trọng tất cả những gì mình đang có mới là điều đáng khen.
Vậy cũng nói, khi lòng người đủ rộng, thì cho dù sống trong lều tranh vẫn luôn thấy vui vẻ thoải mái. Lòng người hẹp hòi thì dùng sống trong cung điện nguy nga cũng thấy chưa đủ. Vì lẽ ấy mà đang tâm “oán trời, trách đất”. Không ganh ghét, cưỡng cầu mới an nhiên, tự tại. Sống đạm bạc thanh tâm: trước thềm xem hoa nở, ngẩng mặt nhìn trời cao thấy mây trôi thong thả…
“Vạn điều buông bỏ tâm vô sự
Hết thảy căn nguyên hướng nội tìm”
(st)