Bài Học Cuộc Sống, Sưu Tầm

Người khó chịu

Người khó chịu

Một buổi sáng đẹp trời. Tâm hồn bạn thơ thới. Bạn vừa ăn một bữa điểm tâm thật ngon miệng và sẵn sàng chuẩn bị cho một ngày mới. Rồi thì điều bạn không muốn đã xảy ra. Bạn gặp phải một người khó chịu và ngày mới của bạn từ tốt lành bỗng dưng biến thành tai họa!

Mọi người, ai cũng đã từng gặp phải những người khó chịu như vậy. Họ có vẻ muốn làm mọi chuyện rối tung lên, và khiến người này, người nọ bực mình. Họ hay kiếm chuyện để gây gổ. Và có đôi lúc trong quá khứ, bạn đã từng đóng vai một người như vậy!

Người khó chịu – họ có vẻ muốn làm mọi chuyện rối tung lên, và khiến người này, người nọ bực mình…

Theo kinh nghiệm của một người đã từng đóng vai kẻ khó chịu, tôi biết lúc đó mình đã không kiềm chế nổi những trạng thái tâm thần và tình cảm phức tạp nên khiến mình đem hết những rác rưởi trong tâm đổ qua cho người khác. Càng cảm thấy bất lực, bất an, mình càng trở nên dễ bươi móc lỗi người, cho dù rất nhỏ nhặt, và chỉ trích những sai phạm của họ, đôi lúc công khai, trước mặt mọi người. Giọng nói của mình mang đầy những hằn học, đay nghiến, oán giận…

Tất nhiên mỗi người khó chịu vì mỗi hoàn cảnh khác nhau. Xin đơn cử một vài loại người khó chịu. Có loại người khó chịu vì họ đang gặp một tình huống căng thẳng, gay go, chưa tìm ra lối thoát như bệnh tật, gia đình tan nát, thất bại trên đường tình duyên hay sự nghiệp… Có loại người khó chịu vì suốt đời họ bị đòi hỏi phải là một người luôn luôn hoàn hảo, không tì vết, lỗi lầm nên họ thấy rất khó chịu về những sai phạm của người khác. Dù là lý do gì, người khó chịu thường hay đòi hỏi đủ thứ. Khó mà có thể làm thỏa mãn họ.

Có lẽ, họ đang tìm kiếm hoặc đòi hỏi thế giới ‘bên ngoài’ phải cung cấp những điều mà họ đang cảm thấy trống vắng, lạc lõng ở bên trong. Cho dù là họ đang khao khát để có được sự quan tâm của người khác, họ sẽ không bao giờ đạt được những gì họ đang mong mỏi vì họ đang hành xử một cách lỗ mãng khiến mọi người đều xa lánh. Vì không biết cách kiềm chế mình nên họ lại thêm dầu vào lửa khiến cho hoàn cảnh ác nghiệt càng thêm kéo dài; mặc dù bên trong họ đang tuyệt vọng và muốn cầu cứu.

Chúng ta không thể thay đổi được người, càng không thể áp lực họ phải thay đổi. Cách duy nhất chúng ta có thể giúp họ là sống thực với chính mình, và tìm năng lực bên trong tự thân để có lòng bi mẫn, kiên nhẫn, và cảm thông. Chúng ta nên nhớ rằng sở dĩ người kia khó chịu với mình vì chính họ đang trải qua những nỗi đau khổ, phiền não mà họ không tự nhận biết, hoặc có tự nhận biết nhưng đang bị bế tắc, không biết cách hóa giải.

Trong người họ lúc ấy chỉ toàn là những bực tức, giận hờn. Thường thì chúng ta cho rằng người này đang ‘giận cá chém thớt’. Nhưng thực ra, nếu quán chiếu sâu sắc chúng ta thấy rằng người nọ đang trong cơn đau khổ. Như câu ‘ngậm máu phun người miệng mình dơ trước’, trong hoàn cảnh này, trong miệng họ đang ngậm đầy những đau khổ nên khi nói ra thì toàn những lời hằn học, đay nghiến, chua cay. Dù họ có cố gắng cách nào đi nữa, lời nói của họ cũng chứa đầy những độc chất.

Kinh Trung bộ, kinh số 5, Không uế nhiễm (HT.Thích Minh Châu dịch), Phật dạy: “Này chư Hiền, ở đời có bốn hạng người. Thế nào là bốn? Chư Hiền, ở đây, có hạng người có cấu uế, nhưng không như thật tuệ tri: ‘Nội thân ta có cấu uế’. Lại nữa chư Hiền, ở đây, có hạng người có cấu uế, và như thật tuệ tri: ‘Nội thân ta có cấu uế’. Lại nữa chư Hiền, ở đây có hạng người không có cấu uế, nhưng không như thật tuệ tri: ‘Nội thân ta không có cấu uế’.

Lại nữa, chư Hiền, ở đây, có hạng người không có cấu uế và như thật tuệ tri: ‘Nội thân ta không có cấu uế’. Những người khó chịu là hạng người đang bị uế nhiễm mà không hay biết nên họ tin chắc rằng chính những người họ đang tiếp xúc là người khó chịu, khiến họ thêm đau khổ, chớ không phải tự họ là người khó chịu.

Theo tập quán, mỗi khi chúng ta phải đối diện với một con người thô lỗ, cục cằn, khó khăn đủ điều thì mình lo tránh họ. Chúng ta thường nghĩ ‘tránh voi chẳng xấu mặt nào’, và rằng nếu mình cố tình lảng tránh thì họ sẽ không quấy rầy mình được nữa! Có thể đây là một cách xử sự hay. Nhưng lỡ nếu chúng ta không thể lảng tránh họ được thì sao? Mình phải học một cách mới để đương đầu với hoàn cảnh đặc biệt này. Những năng lượng tiêu cực có khả năng đánh mình té nhào và biến mình thành một người khác nếu mình không có chánh niệm.

Chúng ta sẽ thấy mình rơi vào tình cảnh đôi co, cãi cọ, chỉ trích, phê bình nặng lời đối lại với người khó chịu kia, hay là nổi giận đùng đùng, rồi giậm chân thình thịch bước ra khỏi chỗ ấy! Nhờ chánh niệm chúng ta biết mình đang gặp phải ‘ổ kiến lửa’ nên phải biết lo giữ mình, đừng vọng động mà mang khổ lụy vào thân, rồi sau này lại hối tiếc. Ý thức được rằng người kia đang đau khổ, nhiễm ô nên mới có cách hành xử ngang ngược, khó chịu như vậy. Chúng ta một mặt theo dõi hơi thở của mình, một mặt dùng ánh mắt từ bi nhìn thẳng vào mắt người kia. Hãy quán niệm mình như lá sen, như đầu vịt nên tất cả những thứ nước nhiễm ô sẽ không thể nào vấy bẩn vào mình được. Không nói gì và cũng không phản ứng gì! Bạn hãy thử xem, coi kết quả có khả quan không?

Thường khi gặp phải một người khó khăn, mình cũng tự động căng thẳng lên và tìm cách tự vệ, biện hộ cho mình. Nhưng khi bạn giữ được sự trầm tĩnh, mình sẽ không bao giờ cảm thấy cần phải làm vậy! Cách hay nhất để làm dịu đi tình hình căng thẳng khi gặp người khó chịu là mình phải biết lắng nghe họ và gật gù đáp lời khi thấy cần.

Đừng quan tâm đến chuyện họ nói đúng hay sai vì khi một người đang trong cơn khó chịu, họ thực sự không đang sống với cái thực tại trước mắt; ngược lại, họ đang chìm đắm trong cái thế giới của quá khứ, ảo tưởng mà khiến họ bất an, bất lực. Chúng ta cũng không cần bắt họ phải nghe mình nói vì khi đó họ đang muốn giải tỏa hết những năng lượng tiêu cực, căng thẳng đang đè nặng bên trong con người họ. Nên nhớ, nếu mình muốn giữ mình cho thăng bằng thì không có vấn đề ai hơn ai, hay thắng thua, thiệt thòi khi mình gặp phải người khó khăn, khó chịu.

Ngoài ra, chúng ta phải sống thực với chính mình. Đừng vì tình cảm sâu nặng, hay cám cảnh thương tâm mà chúng ta bỏ hết công sức của mình để thay đổi người khó chịu kia. Chúng ta phải thực lòng thấy rõ không ai có thể thay đổi người khác chừng nào người kia chưa chịu thay đổi. Câu hỏi là mình có nên chấm dứt liên hệ với người khó khăn kia dù mình đã có những tình cảm đặc biệt đối với họ. Đây chính là lúc mình phải sống thật với mình và tìm câu hỏi bên trong tự thân. Nếu bạn thành thật thừa nhận rằng mình đã làm hết sức, và dù đã nhờ vả bạn bè giúp đỡ nhưng vẫn không có kết quả. Vậy đây là lúc bạn phải tin mình và làm theo những gì trong tâm bạn cho là đúng.

Ngược lại, nếu nhìn về mặt tích cực gặp phải người khó chịu là một cơ hội cho mình học để tiến bộ về tâm linh. Bất kỳ là mình gặp phải những cơ hội nào trong cuộc sống, tiêu cực hay tích cực, chúng ta đều chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Nhớ rằng người có trách nhiệm thật sự là người biết cách ứng xử trong mọi tình huống. Mình học cách chọn lựa và chịu trách nhiệm cho sự chọn lựa của mình, không để cho tình cảm, hoàn cảnh lôi kéo.

Có một câu chuyện kể rằng: Một vị lão sư mệt mỏi về người học trò hay phàn nàn, than trách hoàn cảnh của mình. Một hôm ông dẫn người học trò đến bên một bờ hồ rộng. Sau đó, lấy ly múc nước trong hồ, rồi lấy trong túi áo một nắm muối bỏ vào ly, khuấy đều và bảo người học trò nếm thử nước trong ly. Người học trò nhăn mặt nói rằng nước mặn đắng, không uống được!

Vị thầy từ tốn lấy trong túi áo một nắm muối thứ hai tương đương, bỏ vào hồ nước, khuấy đều, rồi múc một ly nước bảo trò nếm thử. Lần này, người học trò uống hết ly nước, rồi mỉm cười nói: ‘nước không có mặn’. Lúc này, vị thầy mới kéo người đệ tử ngồi xuống bên hồ, nhỏ nhẹ dạy rằng: ‘Đau khổ trong đời sống giống như muối mặn. Tuy nhiên, vị mặn đắng có hay không là do mình chọn cái đồ đựng. Vì vậy, mỗi khi gặp điều không hài lòng, việc con có thể làm được là hãy mở rộng lòng mình. Đừng là cái ly, mà hãy là cái hồ.’

(st)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *