Trong việc lập gia đình, người phụ nữ hay người đàn ông đều muốn tìm được một người bạn đời mà họ thương yêu và phù hợp để có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Nhưng trên thực tế, có mấy người xây dựng được tổ ấm lứa đôi theo đúng như sự suy nghĩ tính toán của họ.
***************
Trong việc lập gia đình, người phụ nữ hay người đàn ông đều muốn tìm được một người bạn đời mà họ thương yêu và phù hợp để có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Nhưng trên thực tế, có mấy người xây dựng được tổ ấm lứa đôi theo đúng như sự suy nghĩ tính toán của họ. Bởi lẽ theo Phật dạy, tất cả mọi việc xảy ra trên cuộc đời này đều tùy thuộc ở nhân duyên.
Thật vậy, thử nghĩ xem cả thế giới này có đến 7 tỷ người mà tại sao hai người lại tìm nhau được, để kết hợp thành cuộc sống vợ chồng. Chẳng những phải có duyên mà còn có nợ nữa, như dân gian ta thường nói có duyên nợ mới nên vợ chồng. Có duyên mà không nợ thì gặp nhau cũng không thể chung sống. Có nợ mà không duyên thì cũng chẳng thể thành vợ chồng. Duyên nợ tác thành vợ chồng, hay nói đúng hơn là nghiệp lực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hai người đến với nhau để trở thành vợ chồng. Thực tế cho thấy có người phụ nữ rất ghét đàn ông say rượu, nên họ lựa chọn rất kỹ người bạn đời là người sống mẫu mực. Khi tìm hiểu nhau, chưa thành vợ chồng, người đàn ông sống rất tốt, không hề biết uống rượu; nhưng đến khi lập gia đình, độ một năm sau, ông chồng này bỗng trở thành con sâu rượu. Và người ta kết luận rằng ghét của nào trời trao của nấy. Nói đúng hơn, người vợ có cái nghiệp phải sống với ông chồng nghiện rượu.
Nói như vậy, không phải để mọi người xuôi tay, mặc cho cái nghiệp xoay vần. Ý thức về sự hiện hữu của nghiệp nhân, nghiệp quả, nam nữ Phật tử muốn trở thành người chồng tốt hay người vợ tốt phải biết áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống gia đình để khắc phục những lỗi lầm, nghiệp chướng của mình và từ đó xây dựng gia đình hạnh phúc.
Trong Trường Bộ II, kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Đức Phật dạy về đạo nghĩa vợ chồng như sau:
Này gia chủ, có 5 cách người chồng phải đối xử với người vợ:
- Có lòng tôn trọng vợ mình,
- không bất kính đối với vợ,
- trung thành với vợ,
- giao quyền hành cho vợ đảm đương việc nha,
- thỉnh thoảng sắm tặng nàng đồ nữ trang.
Này gia chủ, được chồng đối xử như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo 5 cách:
- Có lòng thương chồng mình bằng cách thi hành tốt đẹp bổn phận của người làm vợ,
- khéo tiếp đón bà con,
- trung thành với chồng,
- khéo giữ gìn tài sản của chồng,
- khéo léo và nhanh nhẹn trong mọi việc.
Này gia chủ, người vợ được chồng đối xử theo 5 cách và người vợ tỏ lòng thương tưởng chồng theo 5 cách như vậy, gia đình sẽ an ổn và thoát khỏi các sợ hãi.
Thiết nghĩ, trong cách đối xử của người chồng đối với vợ, Đức Phật đã đưa ra những điều cải cách mà cả ngàn năm sau, các nước trên thế giới mới áp dụng. Thật vậy, Đức Phật quy định điều trước nhất là người chồng phải kính trọng vợ. Ngày nay với chế độ nam nữ bình quyền thì điều này là việc bình thường, nhưng vào thời Phật tại thế, nước Ấn Độ chịu sự chi phối của chế độ giai cấp rất hà khắc, nhất là người vợ bị coi như một công cụ để phục vụ chồng, họ chỉ là một “cái máy đẻ” chứ không có quyền hành gì, thì điều dạy này của Đức Phật phải nói là một sự cải cách rất mạnh mẽ và Ngài là người duy nhất dám khẳng định điều đi ngược lại với phong tục, tập quán cổ hủ có từ lâu đời, mà không ai dám chê trách.
Ngoài ra, Đức Phật còn đặt định người chồng phải giao quyền hành cho vợ và người vợ được quyền giữ gìn tài sản của chồng. Hai điều này cũng là sự thay đổi lớn vì vào thời đó, người vợ giống như một người nô lệ không có quyền hành nào và tất nhiên cũng không có quyền cai quản tài sản của chồng.
Lời dạy của Đức Phật cũng rất chính xác về nghĩa vụ phải chung thủy của vợ lẫn chồng, một điều tất yếu rất cần thiết trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà chúng ta thấy ngày nay phần lớn cuộc sống vợ chồng đi tới đổ vỡ, phải ly hôn, vì vợ chồng không sống thủy chung với nhau.
“Sắm đồ nữ trang cho vợ”, một trong những nghĩa vụ mà Phật đã quy định cho người chồng đã thể hiện tấm lòng từ bi của Phật nghĩ đến công khó của người vợ trong gia đình. Và quả thật Ngài cũng là nhà tâm lý siêu việt, nhìn thấu tận tâm can của chúng sinh, biết chúng ưa thích gì, đặc biệt là nữ giới, mà điều đó ngày nay vẫn còn có giá trị đối với các bà vợ.
Tóm lại, nam nữ Phật tử nên suy nghĩ về đạo nghĩa vợ chồng mà Phật đã dạy để hoàn thiện suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình đúng theo tinh thần Phật đưa ra, chắc chắn sẽ giữ vững được hạnh phúc lâu dài cho tổ ấm gia đình, chẳng những trong hiện đời, mà còn làm cho người bạn đời của mình mong muốn được gặp lại và cùng chung sống trong kiếp lai sanh.