Blog

Ghi chú trong thai kỳ

Một số ghi chú chăm sóc sức khoẻ khi mang thai của Thanh:

Về ăn uống:

– Thực phẩm thời gian thai 0-4 tháng: kiêng uống nước dừa, mía, đồ ăn mát hàn hay chất nhớt: rau ngót, mồng tơi, rau đay, nước sâm mát, kiêng uống nước mía vì vừa lạnh vừa nhiều đường và tính mát nữa, hạn chế nạp đường vì nhiều người lost em bé vì đường cao nguy hiểm lắm (!), nên kiêng nhãn, vải (thèm quá ăn vài trái và uống nước nhiều), không ăn dứa hay uống saffron (co thắt tử cung), không ăn đồ sống kém vệ sinh, không ăn đồ chiên dầu mỡ, táo, bắp rang buổi tối vì đầy bụng khó ngủ. Ăn cá tốt hơn ăn thịt. Ăn hải sản tốt nhưng tránh dị ứng như tôm. Chia các lần ăn nhỏ dễ tiêu hoá.

– Qua 4-5 tháng thai là ăn uống thoải mái hơn, đảm bảo chín sôi, vệ sinh sạch sẽ, tránh ngộ độc tiêu chảy.

– Uống nước cam chanh buổi sáng sẽ đỡ nghén, ăn thêm bưởi lựu ban ngày rất tốt. Mỗi khi cơn nghén tới, mình hay xem phim hoặc làm gì đó tập trung để át đi cơn nghén.

– Không ăn mặn để tránh bị phù nề khi mang thai.

– Ăn nóng quá không tốt cho thai nhi, mà ăn uống lạnh ngắt thì em bé cũng giá băng giật mình. Mình cân đối ăn uống âm ấm vừa là tốt nhất.

– 3 tháng đầu nên bổ sung Canxi tự nhiên bằng bột mè đen mix ngũ cốc & các loại đậu hạt, sữa hạt rất tốt. Nếu đau nhức uể oải muốn uống Ostelin (thuốc Canxi) thì uống 1/2 viên thôi.

– Mình dùng xen kẽ ngũ cốc pha cùng bột mè đen, sữa hạt, nước đậu đen rang hãm lấy nước, trái cây rau củ quả đủ loại mình thích.

– Những tháng thai về cuối, mình bị đa ối nên phải ăn thật nhạt, kiêng tinh bột, chất ngọt, mặn (nước dừa, trái cây ngọt, trà sữa, món nhiều đường muối), ăn nhiều hột vịt lộn và tăng cường thực phẩm nhiều canxi.

– Lúc có thai thỉnh thoảng có những đợt đi phân lỏng do nội tiết tố, nên ăn uống cẩn thận hơn. Nếu đi tiêu chảy bất ổn, cần đến bệnh viện ngay.

– Suốt thai kì, mình bổ sung sữa non rất giàu Canxi và nhiều lợi khuẩn, uống đến sau sinh để có chất cho bé bú luôn. Trộm vía em bé ra đời cứng cáp, khoẻ mạnh, dễ chịu.

*Cách uống sữa non: mới ngủ dậy, sau 30-40 phút thì ăn sáng.

*Cách uống Vitamin bầu & Canxi như sau:

– Từ tuần thai thứ 16: ăn sáng xong 30 phút uống 1 viên Canxi. Đến tuần thai thứ 28 thì Sáng sau ăn 1 viên, Trưa sau ăn 1 viên.

– Chiều khoảng 15g ăn nhẹ rồi 15 phút sau uống viên sắt Prenatal.

– Lưu ý: không nên uống buổi chiều tối, uống nhiều nước ấm sau khi uống Canxi tránh sỏi thận & khó ngủ (không dùng cùng trà, cafe, chocolate, kiêng luôn càng tốt vì các chất này không có lợi cho Mẹ và bé).

– Uống viên Canxi cách viên sắt tối thiểu 3 tiếng.

– Vitamin: mình uống loại Prenatal của Mỹ đã chứa tổng hợp Vitamin, Canxi, DHA. (Còn Elevit của Úc thì không có DHA, nên mình không dùng). Không tự ý dùng thuốc tây ảnh hưởng đến em bé (trừ khi bác sĩ yêu cầu).

Về vận động:

– Đi lại nhẹ nhàng và không với. Vì với cao là dễ tụt thai đặc biệt thai còn nhỏ nguy hiểm. Không cầm khiêng vác nặng, tránh vận động mạnh (đặc biệt trong 3 tháng đầu).

– Có thai mình hay trướng bụng, đầy hơi, ợ nóng, nên ăn đồ mềm, rau xơ, chuối dễ tiêu. Có bài Dịch Cân Kinh chồng mình soạn tổng hợp, mình tập theo ko bị bón rặn và đi nặng đc liền, xì hơi rất tốt, để ko ứ trướng khó chịu sau ăn. Đi cầu không nên rặn.

– Tham khảo link DCK trong blog chồng mình (đọc kĩ để hiểu thực hành): https://thien.one/dich-can-kinh-phat-thu-lieu-phap/

– Tập yoga bầu, tập các bài nhẹ nhàng. Đến gần tháng cuối tập Squat để đầu em bé xuống thấp.

– Tư thế ngủ từ tháng 5 trở đi nên nằm về bên trái để không bị chèn ép, nhưng thỉnh thoảng nằm bên phải thì cũng không sao. Không ép mình phải làm gì thật đúng 100%, relax thôi.

Về chăm sóc cơ thể:

– Bôi dầu dừa liên tục vào bụng và ngực, nhớ chấm dầu ở đầu ngực vì bị khô dễ nứt. Nếu mông, đùi, bắp chân ngưa ngứa và mập lên là dấu hiệu da sắp nứt thì tẩm dầu dừa hay dầu organic liền. Không gãi vì gây rạn da.

– Mẹ mình truyền bí quyết để bụng gọn là tắm nước hơi âm ấm & không tắm đêm. Mình không sure nhưng mình làm theo suốt thai kì và may mắn bụng mình rất chắc và gọn, thật đúng như lời mẹ nói, siêu âm thì em bé vẫn phát triển to tốt.

*Lưu ý: Tắm gội nước hơi âm ấm thôi (không quá nóng vì thai rất sợ nhiệt) kín khí, lau khô nhanh chóng.

– Đánh răng nhẹ. Tầm cá nguyệt thứ 2 dễ chảy máu nướu. Sữa non mình ngậm lúc uống thì không thấy bị nữa.

– Làm đẹp: dưỡng da lành tính bình thường, ra đường ban ngày bôi kem chống nắng vật lý vì da dễ nám và hắc tố. Ăn nhiều trái cây vừa tốt vừa đẹp. Bôi dầu dưỡng liên tục những vùng da dễ rạn.

– Về nhà hạn chế mặc đồ lót, mặc đầm rộng rãi thông thoáng. Áo ngực không tốt cho đầu ti nên ở nhà thì nên thả rông. Vì đầu ti sẽ cương cứng đau nhức để phát triển tuyến sữa từng ngày, ép nén nhiều không tốt. Vùng kín khi mang thai dễ viêm nhiễm, có những lúc hormone tăng gây tiết dịch nhiều hoặc ngứa, nếu có dịch đặc bất thường thì nên đi khám BS để điều trị phòng bị nấm. Vùng kín luôn cần vệ sinh thông thoáng.

– Siêu âm theo chỉ định BS, ngày không khoẻ thì chệch ngày siêu âm 1 chút không sao. Đừng tự ý đi siêu âm nhiều vì muốn biết thai ntn sẽ không tốt lắm.

– Bầu càng lớn càng thấy nóng nực. Cố gắng giữ thông thoáng mát mẻ. Tránh ngồi nhiều (đặc biệt ngồi máy tính), mỏi lưng hay ê nhức bàn toạ là tìm cách nằm hay đứng lên đi lại. Không để tư thế mỏi mà cố là sau này dễ bị kinh niên.

Về tinh thần:

– Mình mong muốn con mình là người như thế nào ví dụ ngoan hiền, hiếu đạo, chân thành, tử tế, nhân hậu, hiếu học, hoan hỷ, năng động, sáng tạo…thì mình sẽ phát khởi từ tâm thức, tâm niệm và hành vi thói quen và ý chí của mình từ lúc mang thai.

– Thời điểm mang thai, con cũng đã ảnh hưởng đến mình về thói quen, sở thích, ẩm thực, xu hướng rồi. Cho nên những điều nào tích cực mình nhân rộng và rèn luyện từ giờ cùng thêm những định hướng, mong muốn của mình tác động cộng hưởng đến em bé nữa. Những gì tiêu cực thì mình cố gắng hạn chế và thay bằng năng lượng tích cực, giữ tinh thần thoải mái tươi vui, làm những hoạt động tích cực như trồng rau, vẽ tranh, học ngoại ngữ, đọc sách, học kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ, chăm em bé sau sinh, vv…

– Làm thiện, đọc & nghe kinh, nghe giảng pháp rất tốt. Rủ chồng cùng làm thiện nguyện, phóng sanh, đối xử hiếu hạnh với ba mẹ & đối đãi thiện lương với mọi người, làm cho ba mẹ và người thân vui cười ấm áp,… Tất cả từ việc tốt bé nhỏ nhất đều là gieo phúc cho cả mình và em bé. Như vậy thì sau khi sinh con ra vợ chồng rất đỡ chăm dạy, vì đã uốn nắn và gieo phước từ giai đoạn thần thức của thai nhi hình thành và phát triển. 🥰

Về các ông bố:

Do thời kỳ mang thai hormone của các mom thay đổi nên tâm trạng dễ up and down, các ông bố cố gắng hiểu và thông cảm, chăm sóc cho các mẹ nhé.

Quan tâm theo dõi sức khoẻ vợ, chế độ dinh dưỡng, mát xa, ngâm chân nước ấm cho vợ trước khi đi ngủ, hạn chế để vợ tự đi, tự lái xe một mình (nhất là các tháng cuối), cùng vợ đi khám thai, tạo điều kiện cho vợ làm việc, giao lưu với bạn bè, đi chơi (tốt nhất là từ tam cá nguyệt 2 trở đi) để tạo cho vợ tâm lý thoải mái, hạn chế đi công tác xa vào những tháng cuối thai kỳ của vợ, vv

Vào tầm tháng thứ 7-8 nên cùng vợ hoàn tất các đồ đạc chuẩn bị cho em bé như là nôi, máy hâm sữa, bỉm, sữa, xe đẩy, phòng hay khu vực dành cho em bé sau khi sinh, túi dự sinh và đầy đủ các giấy tờ cần thiết khi đến bệnh viện, vv.

Đặc biệt giai đoạn mới sinh xong, tâm sinh lý vợ rất nhạy cảm kèm theo mất ngủ nhiều nên rất cần các ông bố thấu hiểu, hỗ trợ và yêu thương, chăm sóc vợ nhé.

Về các nguồn tham khảo & vật dụng cần thiết:

Một số sách mình đã đọc trong lúc mang thai để trang bị kiến thức chăm nuôi em bé, mình thấy rất hữu ích. Các mom và các ông bố có thể cân nhắc xem đọc sớm vì ba mẹ sẽ rất bận rộn khi bé con chào đời nhé.

– Nuôi con không phải là cuộc chiến (Bộ 3 cuốn)

– Để con được ốm

– Tham khảo kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ qua kênh youtube của bác sĩ Anh Thy.

– Tham gia các khoá lớp học về tiền sản.

Vật dụng cần thiết nên chuẩn bị:

Đồ dùng cho mẹ lúc mang thai:

  1. Quần áo, đồ lót bầu
  2. Gối bầu
  3. Thau nước nóng ngâm chân
  4. Kem, dầu chống rạn da, nứt đầu ti
  5. Dầu massage
  6. Các loại bổ sung vitamin, canxi, sắt vv theo tư vấn của bác sĩ
  7. Dùng App theo dõi thai kỳ trong thời kỳ mang thai và sau khi mang thai (Có rất nhiều app, riêng App tiếng việt có app Bé Yêu – dùng khi mang thai và Bé Của Mẹ – dùng sau khi sinh mình dùng thấy rất ổn tốt)
  8. Túi dự sinh hoàn tất 4 tuần trước ngày dự sinh (phòng trường hợp sinh sớm), chuẩn bị sẵn đầy đủ giấy tờ

Đồ dùng cho mẹ sau sinh:

  1. Thảo dược tắm cho mẹ (hoặc đăng ký các gói chăm sóc sau sinh)
  2. Miếng lót thấm sữa (khi mẹ ra ngoài)
  3. Quần lót giấy
  4. Miếng lót tã cho mẹ (giữ vệ sinh cho mẹ những ngày đầu sau sinh)
  5. Nước muối sinh lý để vệ sinh vùng kín
  6. Băng vệ sinh loại thấm nhiều
  7. Băng vệ sinh loại có chức năng làm lạnh để mau lành vết thương cho mẹ

Đồ dùng chuẩn bị cho em bé:

Quần áo cho bé:

  1. Nón, bao tay bao chân (chỉ dùng trong 1-2 tháng đầu)
  2. Quần áo (nên mua size lớn nhiều hơn vì em bé lớn rất nhanh)
  3. Phụ kiện quần áo như giày, nơ, vv.
  4. Nước giặt đồ em bé

Vệ sinh cho bé:

  1. Khăn tắm, khăn lớn
  2. Khăn xô, khăn nhỏ
  3. Tấm lót thay tã
  4. Dầu gội cho bé
  5. Thau tắm em bé (2 cái, 1 cái để tắm xà bông & 1 để tráng sạch)
  6. Tăm bông loại nhỏ, bông gòn
  7. Gạc rơ lưỡi
  8. Khăn ướt
  9. Khăn vải khô
  10. Kem chống hăm
  11. Phấn rơm
  12. Bộ cắt móng tay em bé
  13. Dầu massage cho bé
  14. Tã bỉm (loại tã dán tiện)
  15. Nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, mũi, rơ lưỡi và rốn

Bé bú:

  1. Máy hút sữa
  2. Túi trữ sữa
  3. Máy hâm sữa
  4. Bình đun nước giữ nhiệt
  5. Máy tiệt trùng hơi nước, hoặc UV
  6. Áo hút sữa cho mẹ
  7. Bình sữa (loại nhỏ trước cho em bé trong 3 tháng đầu)
  8. Sữa công thức
  9. Nước rửa, cọ rửa bình sữa
  10. Yếm
  11. Chai nhỏ Vitamin D & K
  12. Nhiệt kế hồng ngoại (dùng để đo nhiệt độ em bé, nhiệt độ sữa, nước tắm)
  13. Gối chống trào

Bé chơi:

  1. Thảm nằm chơi
  2. Đồ chơi treo nôi
  3. Đồ chơi phát âm thanh
  4. Đồ chơi nhiều màu
  5. Thú nhồi bông nhỏ

Bé ngủ:

  1. Nôi cũi
  2. Gối mỏng loại dành cho em bé
  3. Tấm lót nệm lớn
  4. Tấm lót nằm nhỏ
  5. Khăn quấn sơ sinh (để giữ ấm)
  6. Quấn chũn, nhộng (để tập theo lịch EASY)
  7. Nhiệt ẩm kế (dùng để đo nhiệt độ, độ ẩm phòng)
  8. Loa white noise
  9. Camera, máy báo khóc em bé
  10. Ti giả
  11. Gối chặn hai bên dính liền (dùng tháng thứ 3-4 trở đi, các tháng đầu ngoài em bé được quấn chũn và ngậm ti giả, không bỏ gì vào cũi)

Bé di chuyển:

  1. Xe đẩy
  2. Mùng màn bọc xe đẩy
  3. Địu em bé
  4. Nón có khăn voan chống nắng bụi cho bé
  5. Khăn quấn choàng cho mẹ khi cho bé bú ở bên ngoài
  6. Balo đựng đồ em bé
  7. Thùng giữ lạnh nhỏ và túi đá khô (dùng để trữ sữa khi đi đâu xa)


Note này ban đầu mình viết cho bản thân, trường hợp sau này có thêm em bé nữa. Sau có vài người bạn và các mom trong các group mẹ và bé hỏi nên mình cũng chia sẻ thêm.

Trên đây là một số ghi chú mình note lại khi mẹ và bé trong thể trạng bình thường khoẻ mạnh. Các mom vẫn nên tham khảo thêm các nguồn khác nhé, nhất là với các trường hợp thai kỳ có những lưu ý đặc biệt theo tư vấn của bác sĩ.

Mong chúc các mom và em bé sức khoẻ bình an và tràn đầy năng lượng nhé.

– Thanh Thỏ 🥰💕

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *