Bài Học Cuộc Sống, Sưu Tầm

Để khi “nằm xuống” không oằn mình hối tiếc

Tác giả Sina Anvari trên một trang tin tiếng Anh đã có bài chia sẻ, gợi mở cho mỗi người chúng ta “cách” sống cuộc đời của mình, để khi già đi và nằm xuống, không phải oằn mình hối tiếc…

Cô là một y tá, làm công việc chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân của cô là những người được bác sĩ trả về nhà chờ ngày chết. Chính cô là người ở cùng họ trong những ngày tháng cuối cùng, độ 3-12 tuần, trước khi họ vĩnh viễn giã từ cuộc sống này. Cô viết:

Ước gì tôi đã sống cuộc đời của chính mình, chứ không phải sống cuộc đời người khác kỳ vọng ở tôi.

Đây là điều mà nhiều bệnh nhân cảm thấy hối tiếc nhất. Khi ở vào thời điểm mà quỹ sống của cuộc đời đang cạn dần hoặc khi nhìn nhận thật rõ rành về cuộc đời mình, sẽ không khó để kể đếm bao nhiêu điều mơ ước của bản thân chưa được toại nguyện.

Bản thân chúng ta trước đó đã không trân quý những giấc mơ của mình, một nửa giấc mơ cũng không… Và giờ sắp chết đi mới nhận ra rằng đó là những lựa chọn, có điều chúng ta có chọn để thực hiện hay không mà thôi.

Trong đời, ta nên theo đuổi những ước mơ của mình. Vì đến lúc sức khỏe kiệt hao, có khi đã quá muộn màng để hiện thực những điều mơ ước. Sức khỏe mang lại cho con người sự tự do, nhưng chúng ta dường như hay lãng quên điều này mà đến khi nhận ra thì đã không thể thay đổi được nữa.

Ước gì tôi “không quá tham công tiếc việc”…

Đây là điều mà các bệnh nhân nam thường chia sẻ với tôi. Họ đã bỏ qua, đã không đồng hành cùng tuổi trẻ của con cái, của người phối ngẫu. Họ tiếc vì đã dành quá nhiều thời gian cho cuộc mưu sinh, cho công việc. Các nữ bệnh nhân cũng có sự đồng cảm này.

Nên đơn giản hóa cuộc sống và nhận thức về những lựa chọn trong cuộc đời. Kiếm sống nhưng đừng để cuộc sống trở nên chật hẹp đi hoặc bít bùng với những lo toan cuộc sống. Khi cuộc sống có nhiều “khoảng thở” ta sẽ thấy hạnh phúc hơn, cởi mở hơn với những cơ hội, với con người xung quanh để có cuộc sống trọn vẹn nhất.

Phải chi tôi đã giãi bày nhiều hơn về những cảm xúc của mình!

Nhiều người đè nén đi cảm xúc của mình để được hữu hảo với người xung quanh. Vô tình họ làm cho sự hiện diện của mình trên cuộc đời trở nên xoàng xĩnh và không bao giờ sống đúng với những điều họ muốn. Hậu quả là sống như thế lâu ngày dài tháng làm sức khỏe và tinh thần suy sụp, bệ rạc đi.

Chúng ta không thể kiểm soát được phản ứng của người khác. Tuy vậy, nếu chia sẻ bằng sự chân thành, lúc đầu người khác có thể phản ứng ngược chiều nhưng rồi họ sẽ hiểu và làm cho các mối quan hệ khỏe mạnh hơn, đạt đến tầm cao hơn.

Ước gì tôi đã không dửng dưng với những người bạn…

Có khi, giá trị của những người bạn cũ, những người bạn lâu năm chỉ được nhận thức rõ rành khi người ta sắp lìa đời. Do cuộc sống riêng, mỗi người chúng ta có lúc quên đi những người bạn quý trong đời. Tôi đã thấy nhiều người tưởng nhớ về những người bạn thân trong những ngày cuối đời.

Cuộc đời vội vã làm ta xao nhãng nhau. Nhưng rồi khi cơ thể vật lý này hoại yếu dần, ta sẽ thấy rằng tiền bạc hay địa vị không còn quan trọng như ta những tưởng. Điều ta thật sự cần là tình bạn, tình yêu thương…

Ước chi tôi đã sống đời mình hạnh phúc hơn!

Có lẽ đây là điều làm chúng ta ngạc nhiên nhiều. Rốt cùng rồi ta cũng sẽ nhận ra rằng hạnh phúc là lựa chọn. Chúng ta thường bị dính mắc và kẹt cứng trong những thói quen, những lề lối của bản thân và cho là “phải như vậy” thì mới là đúng, là tốt. Dần dà, sự sợ hãi phải thay đổi làm chúng ta “vờ” như là người khác, “vờ” như toại nguyện với bản thân, với cuộc sống của mình.

Khi đời mờ dần qua ánh mắt, ta lại ước gì có thể cười thật to, có thể có lúc “ngớ ngẩn” một chút, một lần nữa. Tuy nhiên, những gì người khác nghĩ về chúng ta thật sự có thể rất khác với con người của mình. Sẽ thật tuyệt vời nếu ta có thể buông xả và mỉm cười, thật lâu thật lâu trước khi nhắm mắt…

***

Đó là 5 chia sẻ phổ biến nhất của những người trước phút tử biệt mà cô có dịp nghe họ trải lòng khi chăm sóc cho họ. Cuối bài chia sẻ, cô có kết luận, đại loại thế này: Sống thế nào là một lựa chọn. Sự lựa chọn định nghĩa cuộc đời mỗi người. Hãy chọn và hãy sống, hạnh phúc.

Tôi cũng đồng thuận với cô. Trên cõi sống này, ở nơi nào có con người thì ở nơi đó có sự mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc là “thuật từ cuộc đời” không có một định nghĩa xác đáng nhất, có lẽ vì hạnh phúc là để cảm nhận chứ không phải là thứ để gọi tên…Ở đâu còn nhiều đau khổ, có lẽ ở đó khát vọng hạnh phúc mãnh liệt nhất. Và hình như càng khát khao hạnh phúc, ta lại càng đau khổ nếu như không thể toại nguyện. Đời người vỏn vẹn mấy mươi năm, mỗi người một cuộc đời, một lý tưởng, hạnh phúc và đau khổ với mỗi người thật nhiều sai khác.

Một nửa cuộc đời đi qua, chỉ là một nửa con con, tôi cảm nhận rằng làm người điều quan trọng hơn hết là làm tròn cái nhân đạo ở đời. Đạo làm cha làm mẹ, làm con, làm vợ làm chồng, làm anh em bạn bè…, có khi cả đời làm cũng không tròn, vì lý do khách quan cũng có, chủ quan cũng có…

Làm một người tốt thật khó, đó là sự đấu tranh dai dẳng và cần lắm sự quyết tâm, để chiến thắng những dục vọng của bản thân, cái tôi lợi mình hại người. Mà có lẽ muốn giúp được người, trước hết ta phải chiến thắng bản thân mình. Có lẽ không sai khi nói tâm ta là một con ngựa chứng, một con rắn độc…, không thuần, không cải tạo thì sẽ muôn đời là loài ngựa, rắn!

Tôi nhớ lời Hòa thượng dạy về Vi diệu pháp, khi một tâm thiện khởi lên thì cùng lúc đó trong tâm cũng khởi lên vô số tâm bất thiện, chúng ngăn cản tâm thiện đó phát triển thành hành động. Đó là sự giả lã, là sự bải buôi, là lý do ta đặt ra để ngụy chứng cho điều mình muốn làm và không muốn làm… Làm một điều tốt là cả một sự đấu tranh, là vậy!

Hòa thượng còn dạy, phải lắng nghe tâm mình, để rèn tâm mình, để tâm thiện phát triển và trở thành điều trôi chảy tự nhiên trong người mình.

Tôi không biết khởi phát và kết thúc của lý nhân duyên nhưng tôi tin những gì đến với tôi, hiện tại là sự trổ quả của tiền nhân duyên nào đó. Mấy ai vui trong hoàn cảnh bất như ý, trong đau khổ… nhưng cũng cần học cách chấp nhận nó để bình tĩnh, vững vàng mà bước qua, mà không gây tạo ác nghiệp.

(st)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *