Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn Bụt dạy có pháp “hiện trú lạc pháp” (an trú trong hiện tại) nhằm giúp hành giả có cơ hội tiếp xúc với hiện tại mầu nhiệm, yếu chỉ của hạnh phúc.
Ngay từ tên gọi của pháp thực tập đã thấy được giá trị của giây phút hiện tại nếu ai nắm được phương pháp và có sự hành trì.
Quán niệm hơi thở
Quán niệm hơi thở là một phương pháp thực tập mà trong kinh Quán Niệm Hơi Thở Đức Thế Tôn dạy rõ, có những hơi thở trong khi thực tập giúp mình quay về hiện tại, và khi ấy mình sẽ có hạnh phúc. Theo lời kinh, ta sẽ thấy Đức Thế Tôn dạy rất rõ: “…Này đây, quý vị khất sĩ! Người hành giả đi vào rừng hoặc tới một gốc cây, nơi vắng vẻ, ngồi xuống trong tư thế hoa sen, giữ thân cho thẳng và đặt vững chánh niệm trước mặt mình. Thở vào, người ấy biết rằng mình thở vào; thở ra, người ấy biết rằng mình thở ra.
1. Thở vào một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi dài.
2. Thở vào một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi ngắn.
3. Ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân ta. Ta đang thở ra và có ý thức về toàn thân ta. Người ấy thực tập như thế.
4. Ta đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh. Người ấy thực tập như thế.
5. Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui. Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui. Người ấy thực tập như thế.
6. Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc. Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc. Người ấy thực tập như thế.
7. Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Người ấy thực tập như thế.
8. Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Người ấy thực tập như thế.
9. Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta. Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta. Người ấy thực tập như thế.
10. Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Người ấy thực tập như thế.
11. Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Người ấy thực tập như thế.
12. Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Người ấy thực tập như thế.
13. Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
14. Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
15. Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
16. Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ. Người ấy thực tập như thế”…
Đọc đoạn kinh này ta thấy có vẻ như việc thở là việc thường ngày, có khó khăn gì đâu, thế nhưng nếu đi vào thực tập thì mới thấy nó cũng có cái khó riêng của nó. Đó là do tâm ta lăng xăng hay nghĩ, tưởng về quá khứ, tương lai, lo toan tính chuyện này, chuyện nọ, đối phó với người này, người kia… Do vậy, khi thực tập, theo thầy Nhất Hạnh thì bước đầu chúng ta phải có Tăng thân, có giờ giấc công phu thực sự nghiêm túc để có thể đoạn nghĩ tưởng quá khứ, tương lai.
Hãy thở đi, và mỉm cười đi…
Đọc kinh, nghe lời dạy của thầy và tôi bắt đầu tập thở. Tập thở để nhận diện rằng mình còn sống đây, bởi Đức Phật từng dạy: “Mạng người trong hơi thở” nên nhận diện đầu tiên từ việc thở, quay về hiện tại là cái thấy: mình đang sống. Và sau đó là những cái thấy về sự sống mầu nhiệm chỉ có thể được kiến tạo ở hiện tại chứ không phải ở quá khứ hay tương lai. Chúng ta vẫn thường nhắc nhau rằng: quá khứ đã qua, tương lai chưa tới để làm tôn chỉ cho sự nhớ, biết hiện tại và thực tập an trú bây giờ, ở đây.
Bây giờ là một từ để chỉ thời gian ngay hiện tại. Bây giờ tôi đang thở, bạn hãy thở đi. Bây giờ tôi đang mỉm cười. Bạn cũng mỉm cười đi. Hai câu “khẩu quyết” ấy nếu hành giả nhớ và niệm thường xuyên thì việc biết mình đang thở, đang sống ở hiện tại là không khó khăn. Khi đó, có nghĩa cái biết của chúng ta đã đầy đủ cả lượng và chất, đã hiểu được nguồn cơn của việc quay về nương tựa hơi thở, nương tựa hiện tại.
Trong một bài thiền ca, tôi hay hát có câu “Quay về nương tựa/ Hải đảo tự thân/ Chánh niệm là Bụt/ Soi sáng xa gần/ Hơi thở là pháp/ Bảo hộ thân tâm/ Năm uẩn là Tăng, phối hợp tinh cần… Thở vào thở ra/ Là hoa tươi mát…”.
Rõ ràng, nếu chúng ta có chánh niệm (biết mình đang nghĩ, nói, làm gì), nghĩa là biết rõ ba nghiệp (ý, khẩu, thân) và biết rõ tam độc (tham, sân, si) sẽ là “chìa khóa” mở cửa luân hồi thì mình sẽ bắt đầu tịnh hóa ba nghiệp, làm cho ý, khẩu, thân dần dần thanh tịnh, ba độc lần lần lắng diệu.
Và để có được chánh niệm đó thì pháp “hơi thở” chính là bài pháp trực chỉ giúp mình đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể thực tập. Khi nào mình biết hơi thở, nương hơi thở thì cả thân, tâm mình đều được bảo hộ bởi vị “Bụt” chánh niệm. Điều đó đồng nghĩa với việc mình có thân này, sống ở cõi Ta bà này cũng là cái pháp thân mầu nhiệm, cõi lành tốt mà thầy nhận diện “Tịnh độ là đây” không xa, không huyễn!
Cứ thử ngồi xuống trong tư thế hoa sen, và quán niệm hơi thở như kinh Quán Niệm Hơi Thở mà Bụt dạy, quý vị sẽ thấy hạnh phúc ở ngay đây, bây giờ; Tịnh độ cũng ở đây, ngay hiện tại này…