“Nếu không Tu được đôi đường thì, Tu trong chớ có khá ngoài, Tu trong gần Phật, tu ngoài gần ma”.
Chỗ bán trà của tôi ở gần cửa chùa nên lượt qua lại rất đông. Hôm đó là một ngày nắng to, có hai vợ chồng kia đứng ở ngoài cổng chùa rất lâu. Tôi lên giọng mời chào, và thu hút sự chú ý của họ ngay lập tức. Người vợ tiến đến, khuôn mặt hồng hào, mặc váy đầm dài xuống mắt cá chân, còn người chồng thì mặc comple rất sang trọng. Họ có vẻ rất gấp gáp, khi nhìn qua sạp hàng của tôi thì dừng lại một chút.
Nguyên văn đoạn đối thoại diễn ra như sau:
– Cô chú mua trà đi ạ! Trà này có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường, giúp an thần, tạo giấc ngủ sâu, thành phần gồm có lá sen bánh tẻ, cỏ ngọn và có trích tiền hỗ trợ cho từ thiện của chùa ạ…
– Thôi, không cần biết, bao nhiêu một hộp?
– Dạ, 28.000đ ạ. Hai cô chú đã trích 1.000đ vào quỹ từ thiện rồi đấy ạ.
– Lấy cho một hộp.
– Dạ, để con gửi cô chú tờ quảng cáo thông tin về trà.
– Thôi, phiền phức lắm, cô khỏi nói nữa đi, chúng tôi mua trà chỉ để ở nhà trưng thôi, uống là gì. Chủ yếu là vì các cô bán trong chùa nên mua để ủng hộ, lấy lộc đầu tháng thôi.
– Dạ, của cô chú đây ạ.
– 30.000đ cho cô nè, khỏi thối lại.
Tôi cười chua chát, không nói gì thêm, vừa lấy định lấy bọc đựng đưa cho hai người, thì họ đã cầm hộp trà đi thẳng luôn.
Lúc ăn cơm chay, tôi mới nhận ra họ là những nhà hảo tâm đã quyên góp từ thiện cho chùa rất nhiều tiền. Hai vợ chồng chào hỏi thân tình các sư cô, sư thầy, ngoài ra còn góp gần cả triệu đồng mỗi lần đi lễ. Nghe nói, gia đình họ ăn chay trường, cả con trẻ cũng được tập ăn chay từ khi rất nhỏ…
Văn hoá ăn chay chấm nước mắm
Gần đây, ăn chay đang là mốt của giới trẻ. Giúp thanh lọc cơ thể là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là con người muốn có cảm giác an toàn hơn về niềm tin tôn giáo. Nhà tôi là người không ngoài vùng “phủ sóng” xu hướng đó. Ngoài ba và chị gái không bao giờ tiêu hoá nổi đồ chay, tôi cũng ăn, mẹ tôi cũng ăn. Mẹ thường nấu đồ chay theo kiểu ăn cơm trắng, nhưng vì thèm nước mắm quá nên phải chấm nước mắm. Hai chị em tôi thấy rất buồn cười, đành thỏ thẻ khuyên mẹ: “ Mẹ ơi, ăn chay ai đi chấm nước mắm? Nếu mẹ không ăn được thì cũng chẳng sao, chủ yếu là chúng ta tự nguyện thôi mà”.
Mấy ngày rằm sau. Mẹ nói một câu khiến tôi hết sức tâm đắc: “ Ban đầu thấy mấy cô bảo ăn chay là tốt, mẹ cũng làm theo. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tâm mình tốt là được rồi, đâu cần cứ phải dựa vào đồ chay để tạo ra cảm giác an toàn. Thôi, mẹ chấm gì thì chấm, ăn được thì ăn, không ăn được thì đành chịu”.
Trên đường đi, tôi vừa nghĩ về mẹ, vừa nghĩ về chuyện của hai vợ chồng kia.
Có lẽ là quá sớm để sau 1 lần gặp mặt, đủ để đánh giá một người nào đó tốt, người nào đó không tốt. Cặp vợ chồng nhà giàu đó mua một hộp trà cũng chỉ là muốn dành chút khoản làm từ thiện, nhưng thái độ của họ rất khinh người, thậm chí là khiến người khác rất khó chịu. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện mà thấy giáo Quản trị kinh doanh kể cho sinh viên nghe. Chuyện kể rằng, ông trùm Năm Cam và vợ của ông ta là những người ăn chay trường, còn có một người con đang tu ở một ngôi chùa. Nhà Năm Cam có một tượng Quan Âm trong phòng khách, bà vợ ngày nào cũng đọc kinh niệm Phật. Tuy có niềm tin tôn giáo mãnh liệt như thế, tuân thủ đúng triết lý Phật pháp như thế, sao họ vẫn làm ra những điều phạm pháp? Chẳng qua đó chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm, tất cả chỉ là bề mặt. Thật sự mà nói, những điều họ làm chỉ là muốn tạo ra cho mình bức tường bảo vệ an toàn mà thôi.
Giống như kiểu: Ồ, mình đã cầu kinh niệm phật ngày 2 lần, ăn chay không bỏ bữa nào, vậy là thành tâm rồi, từ nay sẽ có đấng siêu nhiên nào đó bảo vệ mình!
Một ngày khác, khi bán hàng, tôi lại gặp một người hoàn toàn đối lập với hai vợ chồng nhà kia. Ý tôi là, người này trạc tuổi 40, lưng còng, làn da đen nhẻm, giơ xấp vé số ra nhờ tôi mua. Nhưng đến khi nhìn thấy trà tôi bán, cô ấy bèn xin một tờ quảng cáo để biết thêm chi tiết. Người đó không hề biết chữ, cho nên tôi đọc một lượt cho cô ấy nghe.
Chi tiết đoạn hội thoại như sau:
– Thiệt hả em? Trà này giúp ngủ ngon hơn hả em, còn hỗ trợ người bị tiểu đường nữa à?
– Vâng, chị pha 2 gói, uống với nước ấm hằng ngày. Trà này làm từ cỏ ngọt, cho nên vị ngọt nó thanh tự nhiên, không phải đường mía.
– Ừm, ba của chị bị tiểu đường….không biết, ông ấy có uống hợp không….Bao nhiêu vậy em?
– 28.000đ chị ạ. Mình uống 1 hộp được 1 tháng.
– Ừm… hơi mắc, để chị nghĩ lại…
5 phút sau:
– Em ơi, cho chỉ hỏi lại, có đúng là 28.000đ không?
– Dạ.
– Khi nào em về?
– Em ở đây đến chiều chị ơi.
– Vậy… chờ chị 10 phút nữa nha. Chị bán hết thêm vài tờ này nữa, rồi sẽ mua 1 hộp.
10 phút sau:
– Em ơi, cho chị 1 hộp trà nha.
Chị chạy đến, trên khuôn mặt đen nhẻm nở nụ cười hạnh phúc. Chị khoe với tôi rằng chị đã cho cha mình uống thử 1 ly, thấy rất hợp nên quyết định mua cho ông. Lúc đưa tiền cho tôi, chị tỏ ra khá dè dặt, thay vì đưa tiền chẵn như người khác, chị chỉ đưa toàn tiền lẻ vài 2.000đ, 1.000đ hợp lại. Tôi cảm thấy môi mình run rẩy, tự nhiên thấy buồn quá, một cảm giác buồn não nề lan tràn trong óc. 28.000đ so với người bình thường thì rất bình thường, nhưng so với 1 người bán vé số thì đó gần như là công sức họ cả buổi sáng. Chị đã phải suy nghĩ rất lâu để mua 1 hộp trà, tìm hiểu tới tìm hiểu lui, không như một số người chẳng thèm nhìn cả nhãn mác.
Tôi đã tặng thêm cho chị 1 hộp trà nữa và nhìn cái bóng người bán vé số ấy, tay vẫn cầm khư khư 2 hộp trà cho đến khi khuất hẳn.
Bất giác trong lòng gợi lên một câu hỏi không lời đáp, bảng lảng trong cái lạnh buốt của buổi chiều tà ngày đó:
Trong số chúng ta, có ai là đang ăn chay, chấm nước mắm?
“Nhưng nếu có thể bạn hãy làm đẹp cả trong lẫn ngoài nhé”