Bài Học Cuộc Sống, Sưu Tầm

Lời Phật dạy về Nóng giận

Phật khuyên mọi người chúng ta không nên nóng giận. Phật không phân biệt nóng giận vì có lý do chính đáng hay không chính đáng, hợp lý hay không hợp lý. Ngài cũng không nói rõ là trong những trường hợp nào thì không nên nóng giận và cũng không bảo chúng ta phải dùng phương cách nào để diệt trừ cơn nóng giận.​

Điều làm Ngài quan tâm là trạng thái tinh thần của con người khi nóng giận. Ngài biết rằng lúc nóng giận thì con người không còn đủ bình tĩnh để kiểm soát hành vi và ngôn ngữ của mình.
Phật khuyên vắn tắt là Không Nên Nóng Giận dầu rằng bộc lộ cử chỉ phẫn nộ nhiều khi có thể làm dịu bớt sự bực bội trong lòng, nhưng chung quy nóng giận sẽ đem lại phiền não cho người giận cũng như cho người bị giận.

Phật nói : “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các người”.

Mục tiêu chính yếu của Giáo lý Đạo Phật là “Diệt trừ phiền não và mọi khổ đau” nên Phật đã lưu ý đến việc khuyên chúng sinh từ bỏ nóng giận, vì đó là nguyên do tạo ra phiền não.

Không giận hờn là giữ được bình tĩnh trước những cảnh trái ý nghịch lòng. Giận hờn là tính xấu tai hại chẳng khác ngọn lửa tàn bạo, đốt cháy cả người giận lẫn những người chung quanh.

Kinh Hoa Nghiêm có nói : “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, là “Một ý niệm giận hờn nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra”.

Và tiếp theo còn nói “Nhất sân chi hoả, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” là “Lửa giận hờn một khi đã phát ra, có thể đốt cháy và làm tiêu tan muôn mẫu núi rừng công đức”.

Khổng giáo cũng nói “Nhẫn nhất thời chi khí, miễn bá nhật chi ưu” nghĩa là “Dằn cơn giận trong một lúc thì khỏi ưu phiền cả trăm ngày”.

Bao nhiêu phiền não xảy đến đều do ta chẳng biết dằn cơn giận mà ra. Phật khuyên ta nên lấy lòng từ bi và tính ôn hoà để thắng phẫn nộ. Đồng thời ta còn phải thận trọng lời nói, giữ gìn ngôn ngữ cho nhẹ nhàng, đúng đắn và không bao giờ nên thốt ra những lời nặng nề thô lỗ làm đau lòng người khác.

Điều khó nhất là diệt trừ phẫn nộ ngay từ trong tâm. Khi tâm ta không còn nghĩ đến giận hờn thì tự nhiên cơn phẫn nộ sẽ không bộc phát. Và khi tập được tánh không giận hờn thì ta có được đức tính nhẫn nhục cao quý. Ta sẽ dùng tình thương và lòng bao dung để đáp lại mọi trường hợp mà người phàm tục cho là đáng giận, trong những lúc họ tranh giành phải trái hơn thua với nhau.

DỨT BỎ NÓNG GIẬN ĐỂ KHỎI PHIỀN NÃO
Dứt bỏ nóng giận, diệt trừ tính kiêu căng, không luyến ái vật chất, không còn ham muốn dục vọng, sẽ giải thoát được mọi sự ràng buộc và không bao giờ bị phiền não.

ĐÁNG KHEN NGƯỜI DẰN ĐƯỢC CƠN GIẬN
Biết dằn cơn giận đang lúc nổi lên, giống như người lái xe biết xe đang chạy quá mau thì bớt tốc độ lại. Như vậy mới là người lái xe giỏi.

LẤY TỪ BI THẮNG NÓNG GIẬN
Lấy từ bi và ôn hoà để thắng nóng giận. Lấy hiền lành để thắng hung dữ. Lấy bố thí và lòng rộng rãi để thắng tham lam. Lấy chân thật để thắng giả dối.

LÀM LÀNH VÀ BỐ THÍ TẠO ĐƯỢC NHIỀU PHƯỚC
Nói lời chân thật, Không giận hờn, Bố thí cho người đến xin, là ba việc lành đưa người đến cõi Trời.
Người hiền lương không làm hại ai, luôn luôn tự kiểm soát để kềm chế Tâm và Thân, thì chẳng còn sầu muộn và đạt đến trạng thái bất diệt của Niết Bàn.

TU DUYÊN DỨT HẾT PHIỀN NÃO
Những người ngày đêm tu tập chuyên cần, tâm trọn vẹn hướng về Niết Bàn, thì mọi phiền não đều dứt sạch.

TRÊN THẾ GIAN NÀY, KHÔNG AI LÀ KHÔNG BỊ CHÊ
Đây là một thành ngữ đã có từ xưa :
“Không nói gì thì bị người ta chê.
Nói nhiều cũng bị người ta chê.
Nói ít cũng bị người ta chê”.
Làm người mà không bị chê, thật là chuyện không thể có ở cõi thế gian này.
Trong quá khứ, trong tương lai và trong hiện tại chưa hề có người nào bị tất cả mọi người chê hay được tất cả mọi người khen.

THƯỜNG XÉT MÌNH VÀ GIỮ PHẨM HẠNH LÀ ĐIỀU ĐÁNG KHEN
Còn ai dám chê bai người thường xét mình hằng ngày, không hành động sai quấy, có đầy đủ phẩm hạnh và trí tuệ sáng suốt?
Người trong sạch, đức hạnh chói sáng như vàng ròng, là người đáng được tán dương và kính phục. Ngay đến chư Thiên cũng khen ngợi.

CẦN KIỂM SOÁT HÀNH ĐỘNG, LỜI NÓI VÀ Ý NGHĨ
Phải luôn kiểm soát hành động, đừng nóng giận, đừng làm điều ác, và nên lo làm điều lành.
Phải nhớ khắc phục khẩu nghiệp, thận trọng lời nói, đừng cau có gây gổ, dứt bỏ mọi lời thô ác và chỉ nói lời hiền hoà nhân đạo.
Giữ gìn tâm ý, đừng để mắc sai lầm, đừng để giận dữ, đừng đến nhiều điều hung ác, chỉ nghĩ đến điều thiện và việc tu hành.
Người trí chẳng những lo kiểm soát Thân, mà còn lo điều phục Tâm và Ý nữa.

(st)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *