Bài Học Cuộc Sống, Sưu Tầm

Dịch Cân Kinh – Phất Thủ Liệu Pháp

Dịch Cân Kinh – Phất Thủ Liệu Pháp

Tương truyền, Dịch Cân Kinh hay Đạt Ma Dịch Cân Kinh do Đạt Ma Sư tổ, sư trụ trì đầu tiên chùa Thiếu Lâm truyền đạt. Năm Đinh Sửu (năm 917 sau Công Nguyên) nhà sư Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc thuyết pháp, truyền giáo rồi ở lại Trung Sơn, Hà Nam (của Trung Hoa) xây dựng Thiếu Lâm Tự (Chùa Thiếu Lâm).

Có nhiều đệ tử nhập môn học Phật, đem tín ngưỡng mới đi truyền giáo. Việc truyền tụng một tín ngưỡng mới, khác với niềm tin cũ của người bản xứ, thường dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột nên các đệ tử của Ông vừa lo tu dưỡng, học Phật pháp, vừa phải ra công luyện tập võ nghệ để tự vệ. Từ đó môn võ Thiếu Lâm ra đời và tồn tại mãi đến ngày nay.

Nhiều người xin nhập môn nhưng thể chất kém không thể luyện võ được. Sư Tổ Đạt Ma bèn dạy cho một cách tập luyện để nâng cao thể lực gọi là Dịch Cân Kinh, giúp chuyển đổi gân cốt và cơ bắp từ suy nhược thành sung mãn.

“Dịch – thay đổi, Cân – gân cốt, Kinh – sách quí”

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày nay cho rằng: Dịch Cân Kinh trước đây là bảo bối của Thiếu Lâm Tự, chỉ có các đại sư tinh thông võ học mới được phép nghiên cứu và luyện tập toàn bộ Dịch Cân Kinh.

Mãi đến khi vua Càn Long nhà Thanh phải đem 20.000 quân bao vây Thiếu Lâm Tự bắt phải mang Dịch Cân Kinh ra cho sao chép, từ đó Dịch Cân Kinh mới được lưu truyền ra ngoài. Toàn bộ Dịch Cân Kinh có 12 động tác, phần chữa bệnh chỉ là 1 động tác phần khởi đầu, phần còn lại và Tẩy Tuỷ Kinh phải là những người có nội công thâm hậu mới được luyện tập.


Ngày nay, phép chữa bệnh theo Dịch Cân Kinh thường được gọi là Phất thủ liệu pháp. Đây là phương pháp khí công chữa bệnh bằng cách vẫy tay đơn giản, dễ nhớ, dễ tập, chỉ cần kiên trì tập vẫy tay đúng phương pháp sẽ đạt hiệu quả rất lớn, yếu thì khỏi chứng nọ tật kia, khỏe thì hết bệnh tật: ăn ngon, ngủ tốt, gân cốt thư thái sức khỏe tăng cường.

Đặc biệt là trừ được bệnh tật như: suy nhược thần kinh, cao huyết áp, hen suyễn, các bệnh tim mạch, tiêu hoá, trĩ nội … hay bán thân bất toại, đột quỵ, méo mồm lệch mắt, ngay cả bệnh ung thư cũng khỏi.

Các loại bệnh mạn tính của người cao tuổi hay gặp là thoái hóa cột sống, thoái hóa xương khớp, trong đó có bệnh lý viêm quanh khớp vai rất thường gặp ở cả người cao tuổi cũng như người trẻ tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng tiến triển rất tốt.

Về cơ bản, Dịch Cân Kinh lấy sự lưu thông khí huyết là cốt lõi, khí huyết lưu thông sẽ mang máu tốt đi nuôi các bộ phận trong cơ thể, và đẩy đi các chất cặn bã bị ứ đọng.

Ưu điểm khi tập Dịch Cân Kinh:

  • Động tác đơn giản, dễ tập.
  • Không đòi hỏi dụng cụ kèm theo để tập.
  • Hoàn toàn chủ động về thời gian và nơi chốn khi tập.
  • Những ai có sức khỏe kém vẫn có thể theo đuổi tập luyện.

Lý giải Đông y về Dịch Cân Kinh như sau:

Lý luận của Đông y có triết lý vững vàng, mang tính khái quát lớn. Tình trạng sức khỏe của con người liên quan chặt chẽ với khí huyết của cơ thể. Lý thuyết về khí huyết rất rõ ràng và dễ hiểu vì ta có thể nhìn thấy được. Trong Đông y, khí và huyết không thể tách ra từng mặt để nghiên cứu như huyết nhiều hay ít, loãng hay đặc, sắc tố thế nào… mà xem xét cả quá trình tuần hoàn của huyết, phân tích trạng thái vận động và cả quá trình sinh lý và các mối quan hệ khác.

Thông thường ta hiểu là khi thở không khí vào phổi, ăn thức ăn vào bụng, ruột hấp thụ chất dinh dưỡng và không khí được đưa đến các tế bào của toàn thân thể được ôxy hóa sinh ra nhiệt năng, đồng thời thu hồi các chất cặn bã từ các tế bào cơ thể bài tiết ra ngoài. Nhưng trong Đông y, khí bao hàm rất rộng không chỉ là không khí mà còn là hào khí, thiên vị khí (Prana)… . Người xem tướng giỏi là người rành xem khí sắc, thiên vị khí có trong khí trời không rải khắp cơ thể được nên mới sinh bệnh. Khí của Đông y không bác bỏ không khí nhưng nó bao hàm rộng hơn.

Tuần hoàn tốt phát huy tác dụng của máu, thì quá trình sinh lý của cơ thể con người tự nhiên thịnh vượng ra, sức khỏe của con người đương nhiên đảm bảo. Cho nên trong lý thuyết khí huyết không thể đơn độc chỉ có huyết mà không có khí và ngược lại chỉ có khí mà không có huyết.

Trong Đông y, tương quan chủ yếu trong cơ thể con người là Âm, Dương và trong khí huyết thì Khí là âm và Huyết là dương. Luyện Dịch Cân Kinh làm cho khí huyết hoạt động điều hòa có tác dụng chữa bệnh tốt. Áp dụng Dịch Cân Kinh để chữa ung thư, người xưa vừa luyện tập vừa dùng thuốc dưỡng tâm đan để chữa khỏi bệnh ung thư, tác dụng của thuốc là rút ngắn thời gian chữa bệnh chứ không có tác dụng chữa khỏi bệnh.

Người xưa nói mạch máu đưa đi, ví dụ 1 đơn vị quân đội cùng sinh hoạt như nhau, sau 1 bữa ăn lại có người bị đau bụng đi kiết lỵ, đi tả, nhưng có những người chẳng bị làm sao. Đấy là những người máu lưu thông tốt nó giúp cơ thể thải độc tốt, vì thế họ không mắc bệnh.

Bác sĩ Schulze cũng từng chia sẻ trong cuốn sách “Không có bệnh gì là không chữa được” là bất kỳ chỗ nào trên cơ thể thấy có bệnh, hiển nhiên chỗ đó bị tắc nghẽn khỏi phần còn lại của cơ thể.

Lấy thêm một ví dụ cho dễ hiểu, sau một trận lũ lịch sử, một thôn xã nào đó bị cô lập, chia cắt hoàn toàn trong nhiều ngày dài. Thiếu nước sạch, thiếu lương thực, bên ngoài không thể tiếp tế được. Cùng với đó là những thứ dơ bẩn do bùn đất, chất thải chảy tràn vào nơi sinh hoạt. Nguy cơ xảy ra bệnh dịch rất cao.

Cùng với quan điểm đó, trong cuốn “Làm sạch mạch và máu” tác giả Nishi Katsuzo có nói: chỉ có nước đứng yên ao tù nước đọng mới bẩn, còn nước chảy luôn sạch. Cơ thể chúng ta giống như dòng nước đang chảy, lưu chuyển bình thường thì máu không bị ứ đọng; còn với ứ đọng, bất kỳ bệnh gì cũng sẽ có thể xảy ra.

Tắc nghẽn nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó rất nguy hiểm vì:

  • Ngăn cản máu mang oxy và chất bổ dưỡng tới các tế bào để tái tạo
  • Hệ bạch huyết không thể mang tế bào miễn nhiễm tới chỗ bị đau
  • Không thể mang các chất cặn bã từ các tế bào đến cơ quan bài tiết

Luyện Dịch Cân Kinh vẫy tay đúng phép, miệng dạ dày mở, máu mới sinh ra nhiệt năng đầy đủ, các sự chèn ép làm mất thăng bằng trong cơ thể bị xóa bỏ nên mới khỏi bệnh. Vẫy tay theo Dịch Cân Kinh thực chất là bơm máu lưu thông trong cơ thể. Toàn bộ cơ thể thực chất được sử dụng như một chiếc bơm, và bơm khí cho chính cơ thể đó.

Cái thông minh của người xưa là sử dụng cơ hoành như 1 lá pít tông. Khi vẫy tay liên tục theo Dịch Cân Kinh cơ hoành lên xuống dễ dàng tăng thêm khí trong dạ dày và ruột gây tác dụng hưng phấn, áp lực khí trong máu tăng làm máu lưu thông mạnh hơn giúp cho viêc tống cựu nghinh tân được tốt, khí huyết thông thoáng cân bằng là khỏi bệnh.

Một số ví dụ : Cụ Quốc Chu 70 tuổi, phát hiện u ác ở não, Nhờ luyện Dịch Cân Kinh ngày 3 buổi, mỗi buổi 2160 lần thì khỏi bệnh.

Ông Trương Công Phát 46 tuổi phát hiện ung thư máu tập ngày 3 buổi, mỗi buổi 1800 lần (có dùng thuốc dưỡng tâm đan) sau 3 tháng khỏi bệnh. 3 năm nay vẫn khỏe mạnh.

Cụ Từ Mạc Đính, 80 tuổi, ung thư phổi thêm bán thân bất toại tập 5 tháng hết bán thân bất toại, kiểm tra thấy khối u đã biến mất.


Nay ta phân tích ung thư là gì. Người xưa quan niệm u nhọt chia làm 2 loại: Âm thư & Dương thư và có câu : “Dương thư dễ lành, âm thư khó trị”. Dương thư thì ai cũng biết là cái nhọt mọc ra ngoài, chín rồi vỡ và có ngòi mủ xanh, dán cao là lành. Âm thư là cái nhọt mọc bên trong cơ thể không có đầu to dần lan rộng, có khi có máu như đá gọi thạch thư. Nguyên nhân là do kết tụ của khí huyết làm tắc trở kinh lạc, cản trở việc thải căn bã trong cơ thể chỗ đó ra ngoài. Vì máu lưu thông chậm nên công năng của máu giảm sút và không đủ nhiệt năng để thải các chất cặn bã ra ngoài.

Nguyên nhân ung thư thì hiện nay trên thế giới còn bàn cãi, ngay cả dưỡng tâm đan cũng không phải thuốc đặc trị chữa ung thư, mà là giúp tim hoạt động tốt để thải chất độc trong cơ thể bệnh nhân nhanh hơn mà thôi. Nguyên nhân ung thư thì thuyết Khí huyết của Đông y đã lập luận rõ ràng. Quá trình sinh lý của con người là quá trình phát triển, nó mang 1 nội dung đấu tranh rất phức tạp giữa cái sống và cái chết, giữa ốm đau và khỏe mạnh, giữa già sớm và trẻ dại. Nhưng kết quả của cuộc đấu tranh là do nhân tố nội tại quyết định, chứ không phải do hoàn cảnh bên ngoài.

Nên xem cơ thể con người là một thể vận động và thống nhất, trong đó lục phủ ngũ tạng đều dựa vào nhau tức là tương hỗ, ức chế lẫn nhau là tương khắc. Khí huyết có tác động đến tất cả lục phủ ngũ tạng, cho nên việc phát sinh ra bệnh ung thư cũng do Khí huyết không chu đáo mà ra. Đông y đã xác định cuộc đấu tranh giữa cơ thể và bệnh ung thư là cuộc đấu tranh trong nội bộ cơ thể con người, mà từ đó xây dựng nên quan điểm cho rẳng bệnh ung thư là thứ bệnh có thể chữa được.

Đương nhiên bệnh tật do sự trì trệ khí huyết mà ra và nó lại làm hao tổn thêm khí huyết. Việc luyện tập làm cho khí huyết lưu thông để tự chữa bệnh, đây là cơ sở để xây dựng lòng tin vững chắc cho người bệnh đối với việc tự chữa bệnh, mà từ đó tập trung tinh thần và ý chí đầy đủ để luyện tập.

Đạt Ma Dịch Cân Kinh chính là phương pháp thay đổi tăng cường lưu thông khí huyết mà làm thay đổi trạng thái sức khỏe cơ thể. Vì thay đổi tăng cường khí huyết nên Dịch Cân Kinh chữa được rất nhiều bệnh khác nhau như:

  • Trĩ nội, ngoại, lòi dom.
  • Các bệnh về đường tiêu hóa ruột, dạ dày, gan…
  • Suy nhược thần kinh.
  • Các bệnh về tim
  • Bán thân bất toại, trúng gió lệch mắt, méo mồm
  • Hen xuyễn
  • Các bệnh về Mắt
  • ….

Tóm lại, Đông y cho rằng vấn đề cơ bản của bệnh tật con người là do khí huyết mất cân bằng mà sinh ra, Đạt Ma Dịch Cân Kinh lấy sự lưu thông khí huyết là cốt lõi, khí huyết lưu thông sẽ mang máu tốt đi nuôi các bộ phận trong cơ thể, và đẩy đi các chất cặn bã bị ứ đọng, giải quyết được vấn đề này nên đa số các bệnh, nhất là bệnh mãn tính đều chữa khỏi, đặc biệt ngay cả bệnh ung thư cũng có thể khỏi.


PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TẬP ĐẠT MA DỊCH CÂN KINH

Đầu tiên là nói về tư tưởng:

Phải có hào khí, nghĩa là phải có quyết tâm luyện tập cho đến nơi đến chốn, vững vàng, tin tưởng không vì lời bàn ra tán vào mà chán nản bỏ dở.

Phải lạc quan, không lo sợ đang mang bệnh mà mọi người gọi là hiểm nghèo, phải tin tưởng rằng mình sẽ thắng bệnh mà luyện tập.

Tư thế:

Tìm nơi thoáng mát, không khí trong lành. Mặc quần áo rộng rãi. Đứng thẳng, hai chân mở bằng vai, 10 đầu ngón chân bám chặt xuống đất (nên dùng dép mỏng) như đi trên đường trơn, trọng tâm dồn xuống mũi bàn chân, gót chân sát mặt đất. Hai chân cứng lại, hậu môn thắt chặt.

Từ thắt lưng trở lên để lỏng, hai tay buông lỏng xòe ra, úp về phía sau. Đầu cổ buông lỏng không nghĩ ngợi chỉ tâp trung nhẩm đếm xem tập được bao nhiêu lần. Mắt nhìn thẳng vào 1 điểm ở xa phía trước. miệng để hở để không khí lưu thông.

Dùng lực hất tay ra phía sau thả lỏng để tay rơi xuống trở lai phía trước theo quán tính nhưng khoảng cách chỉ 3/7 phần so với phía sau, rồi lại hất tiếp ra phía sau. Ở đây hai tay được sử dụng như hai mái chèo bám sâu vào vai, khi chuyển động sẽ kéo theo cơ hoành chuyển động, nâng nên hạ xuống như lá pít tông khi bơm.

Với khẩu quyết là 3-7. tức là “Trước 3 sau 7” và “Trên 3 dưới 7”.

  • Trước 3 sau 7” tức là tay ra phía trước 3 phần thì ra phía sau 7 phần, có thể gọi là trước không sau có, tay ra phía trước không có lực còn ra phía sau có lực.
  • Trên 3 dưới 7” tức là độ vững chắc của nửa trên cơ thể 3 phần thì phía dưới là 7 phần, hay còn gọi là “Thiên khinh Địa trọng” phù hợp với qui luật của triết học phương đông.

Động tác vẫy tay phải bền bỉ, đều đặn, nhẹ nhàng, linh hoạt. Không cần dùng sức mạnh để cố vẫy tay ra phía sau mà chỉ dùng sức bình thường, tương ứng với nhịp thở điều hòa của cơ thể. Động tác đưa tay về trước là do phản lực quán tính từ phía sau tạo nên. Trong suốt quá trình vẫy tay, mặc dù cánh tay di động trước sau, nhưng phải luôn duy trì tình trạng thoải mái tự nhiên, cánh tay không gồng sức.

Làm liên tục nhiều cái. Mỗi ngày có thể tập 1-3 lần. Nếu để chữa bệnh thì mỗi lần tập phải thực hành từ 1800 cái trở lên.

Mắt nhìn thẳng, đầu không nghĩ ngợi có thể nhẩm đếm số lần vẫy tay.

Việc nhíu hậu môn và bám các đầu ngón chân xuống đất cũng vậy. Chỉ cần dùng sức vừa phải nhằm bảo đảm tâm lý thoải mái và thể lực dẻo dai để có thể thực hành đến hàng ngàn cái mỗi lần tập.

Thời gian luyện tập:

Giai đoạn đầu là giai đoạn để cơ thể làm quen, không được gắng sức làm tổn thương các đầu ngón chân và khớp vai, không được nôn nóng vì dục tốc bất đạt, sẽ không thu được kết quả mong muốn. quyết tâm và từ từ tiến nên sẽ thu được kết quả mĩ mãn. Vội vàng làm cơ thể không thích nghi kịp sẽ không tốt.

Mới đầu tùy theo khả năng của từng người những người quen vận động có thể bắt đầu từ 300 lần trong 1 buổi tập. Người ít vận động có thể từ 100 hoặc 200 lần cho buổi tập đầu tiên. Sau khi đã quen thì tăng dần lên mỗi lần tăng 100 lần/buổi tập. Người yếu, ít vận động có thể tăng 50 lần/buổi tập, dần tiến lên 1800 lần trở lên cho 1 buổi tập và giữ nguyên cho đến khi khỏi bệnh.

Trong suốt quá trình luyện tập, để chữa bệnh nhớ là phải thường xuyên, đều đặn với 3 buổi trong ngày. Sáng thanh tâm tập mạnh, chiều trước khi ăn tập vừa , tối tập nhẹ. Lưu ý tối tập mạnh sẽ dễ mất ngủ, vì máu lưu thông mạnh, kích thích thần kinh hoạt động sẽ khó ngủ. Khi quen lại tạo ra sảng khoái và giấc ngủ sâu hơn. Thời gian 1 buổi tập trung bình là 30 phút có nghĩa là tốc độ phải đạt tối thiểu 1800 lần/30 phút mới đảm bảo quá trình bơm máu.

Khi đã vẫy tay đến 600 lần trở lên thường có trung tiện (đánh rắm), hắt hơi, và hai chân nhức mỏi, toát mồ hơi, mặt nóng bừng… chỉ là hiện tượng bình thường đừng lo ngại. Trung tiện và hắt hơi là do nhu động của đường ruột tăng lên đẩy mạnh cơ năng tiêu hóa. Chân mỏi là do khí huyết dồn xuống cho hợp với vũ trụ là “thiên khinh địa trọng” (trên nhẹ dưới nặng), đấy là qui luật sinh hợp với vũ trụ: Thiên khinh địa trọng.

Như đã nói ở trên, nhớ kỹ khi mới bắt đầu tập luyện tránh làm tổn thương các ngón chân (sau buổi tập vuốt ve các ngón chân mỗi ngón 9 lần). Nôn nóng muốn khỏi bệnh này mà dùng nhiều sức sẽ không đem lại kết quả. Có quyết tâm nhưng phải từ từ tiến dần mới đúng cách, mới kết quả tốt. Nếu tinh thần không tập trung, tư tưởng phân tán thì khí huyết loạn xạ, và không chú ý đến “trên nặng, dưới nhẹ” là sai hỏng.


Các bước tập tóm tắt như sau:

  • Đứng hai bàn chân bằng khoảng cách hai vai.
  • Hai cánh tay duỗi thẳng theo vai, các ngón tay xoè thẳng, lòng bàn tay quay ra sau.
  • Bụng dưới thót lại, lưng thẳng, đầu và miệng bình thường, lưỡi chạm nướu trên, răng khép lại và miệng ngậm.
  • Các đầu ngón chân bám trên mặt đất, gót sát đất, bắp chân và đùi chân căng thẳng.
  • Hai mắt chọn một điểm đằng xa làm mục tiêu để nhìn, không nghĩ ngợi lung tung, luôn chú ý vào các ngón chân đang bám đất. Đùi vế bắp chân cứng. Thót hậu môn thật chặt, lưỡi chạm nướu trên và nhẩm đếm.
  • Dùng sức và vùng bả vai vẫy hai tay về phía sau, khi trả hai bàn tay lại phía trước, chú ý để nó buông theo quán tính, tuyệt đối không dùng sức. Tuy nhiên chân vẫn lấy gân cứng lên, hậu môn vẫn thót và co lại không lơi lả, lưỡi vẫn chạm nướu trên.
  • Vẫy tay lần đầu từ 200-300 lần, dần dần tăng lên tới 1800 lần vẫy, (1800 ước chừng 30 phút).
  • Phải có quyết tâm đều đặn tập trung vào sự luyện tập, không nôn nóng tập nhanh, tập nhiều vì dục tốc bất đạt. Nhưng cũng không tùy tiện bữa tập nhiều, bữa ít hoặc nghỉ tập, vì như vậy sẽ làm mất lòng tin trong luyện tập, khó có hiệu quả.

Cơ chế tác động của Dịch Cân KinhPhất thủ liệu pháp:

Động tác hít thở phối hợp với vẫy tay điều hòa và liên tục tác động vào các cơ ngực và thành bụng, nhất là cơ hoành, giúp xoa bóp các nội tạng, thúc đẩy sự vận hành khí huyết và tăng cường chức năng của các cơ quan. Nó cũng có tác dụng khai thông những bế tắc, ứ trệ trong kinh mạch hoặc tạng phủ. Những người tiêu hóa đình trệ sau khi thực hành khoảng 500-700 cái sẽ có trung tiện hoặc ợ hơi, có cảm giác dễ chịu rất rõ. Dịch Cân Kinh – Phất thủ liệu pháp là phương pháp đơn giản nhất để chữa bệnh đau dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa. Những trường hợp khí nghẽn, khí bế, khí uất do stress, bệnh tật hoặc do tập khí công sai lệch cũng có thể làm cho thông bằng Dịch Cân Kinh.

Sở dĩ bệnh gan là do khí huyết tạng gan không tốt gây nên khí bị tích lũy làm cho gan khó bài tiết, do đó ảnh hưởng đến ống mật và cả tì vị. Luyện Dịch Cân Kinh có thể giải quyết được vấn đề này, nếu sớm có trung tiện là hiệu quả tốt. Về bệnh mắt, luyện Dịch Cân Kinh là có thể khỏi chứng đau mắt đỏ với các chứng đau mắt thông thường, cận thị, thậm chí được cả chứng đục thủy tinh thể; trong nội kinh có nói mắt nhờ huyết mà nhìn được, khi khí huyết không dẫn đến các bộ phận của mắt, do vậy sinh ra các bệnh tật do mắt. Đôi mắt là bộ phận thị giác cũng là bộ phận quan trọng của cơ thể.

Theo quan điểm của y học truyền thống và khí công cổ đại, con người và vũ trụ có quan hệ giao hòa thông qua hô hấp. Hai nhà bác học người Pháp Jacqueline Chantereine và Camille Savoire cũng kết luận: “Lực vũ trụ nhập vào con người ở đầu và xuất ra nơi bàn chân phải, âm lực của quả đất nhập vào con người nơi chân trái để lên đến đỉnh đầu ở phía sau ót”. Những động tác của Dịch Cân Kinh – Phất thủ liệu pháp tuy đơn giản nhưng đã trực tiếp phát huy quy luật này đối với việc chữa bệnh và tăng cường nội khí, đã thông khí huyết kinh mạch trong cơ thể.


Nếu bạn chưa biết về 12 đường kinh: gồm 6 kinh âm và 6 kinh dương chạy dọc chân tay và thân mình phía trước và phía sau. Ngoài ra còn có các lạc là những nhánh phân ra từ kinh tạo thành mạng lưới đưa khí năng và sinh lực luân lưu qua mọi bộ phận và các mô bắp.

Năm 1992 tại Bệnh viện Necker ở Paris, Tiến sĩ Jean-Claude Darras và Tiến sĩ Pierre de Vernejoul thực hiện 1 thí nghiệm nổi tiếng. Họ tiêm chất đánh dấu phóng xạ vô hại vào huyệt của 300 tình nguyện viên sau đó theo dõi sự di chuyển của nó bằng máy ảnh gamma. Khi tiêm vào các huyệt, các chất đánh dấu di chuyển đều đặn dọc theo con đường kinh, trùng hợp với miêu tả trong sách châm cứu. Nhưng khi tiêm vào chỗ không phải là huyệt thì nó giải ngân và biến mất.

Họ cũng nhận thấy rằng các chất đánh dấu di chuyển chậm hơn xung quanh các cơ quan bị bệnh và nhanh hơn xung quanh cơ quan khỏe mạnh, khẳng định quan niệm về bệnh do tắc nghẽn năng lượng.

Thí nghiệm này đã xác nhận sự tồn tại của mạng lưới kinh lạc, điều mà một số ý kiến của y học hiện đại trước đó đã bác bỏ và chế nhạo.

Mạch Nhâm và mạch Đốc: bên cạnh 12 đường kinh liên kết với các nội tạng, còn có 8 kỳ kinh là khoảng giao nhau giữa 12 đường kinh, trong đó có mạch nhâm và mạch đốc.

  • Mạch Đốc là mạch của các kinh dương, nằm ở giữa cột sống, các kinh dương ở tay chân từ 12 đường kinh đều giao hội ở đây.
  • Mạch Nhâm là mạch của các kinh âm, nằm ở giữa bụng, các kinh âm ở chân giao hội ở đây

Nhiều người vẫn nghĩ động tác phải phức tạp mới đem lại hiệu quả, nhưng ở Dịch Cân Kinh dù chỉ có một động tác duy nhất được lặp đi lặp lại, nhưng cái chính là nó giải quyết được sự ứ đọng trong cơ thể.


Khi tập Dịch Cân Kinh, ở phần thân trên, động tác hít thở và vẫy tay kích hoạt huyệt Bách hội ở đỉnh đầu và Đại chùy ở giữa hai bả vai để thu thiên khí, khai thông và tăng cường hoạt động của các đường kinh dương. Bách hội và Đại chùy đều là những điểm giao hội của các đường kinh dương và mạch Đốc.

Ở phía dưới, việc nhíu hậu môn và bám các đầu ngón chân xuống mặt đất kích thích hai huyệt Trường cường và Hội âm ở hai bên hậu môn và tĩnh huyệt của các đường kinh âm. Quan trọng nhất là huyệt Dũng tuyền ở giữa lòng bàn chân và Ẩn bạch ở đầu ngoài móng ngón chân cái. Động tác này có tác dụng hấp thu địa khí, khai thông và tăng cường hoạt động của các âm kinh.

Việc đầu lưỡi chạm nướu răng trên và nhíu hậu môn làm nối liền hai mạch Nhâm, Đốc, tạo ra sự thông nhau giữa hai bể khí âm và dương. Sự tương thông này giúp nội khí tuần hoàn trong thân người, điều hòa âm dương và sinh lực giữa lục phủ ngũ tạng.

Theo học thuyết Kinh lạc, dương phải thường giáng và âm phải thường thăng. Vì vẫy tay liên tục đến hàng ngàn cái nên khi các đường kinh dương được khai thông và đi dần xuống (Dương giáng) điểm cuối ở đầu ngón chân, chúng sẽ tự động kích hoạt những tĩnh huyệt của kinh âm, khiến các đường kinh này chạy ngược trở lên (âm thăng). Đối với các đường kinh âm cũng vậy, khi chạy đến điểm cuối ở phía trên, nó sẽ lại kích hoạt các đường kinh dương đi trở xuống và cứ thế tiếp tục luân chuyển tuần hoàn trong cơ thể. Đây chính là một biểu hiện của quy luật Cực dương sinh âm và Cực âm sinh dương.

Dịch Cân Kinh có tác dụng cân bằng âm dương, thuận khí, giáng hư hỏa

Theo y học cổ truyền, khí dương thường thừa mà khí âm thường thiếu. Âm hư có thể do bẩm sinh, hay quá căng thẳng, lo âu trong cuộc sống. Sự mất cân bằng đó là đầu mối của nhiều bệnh tật mà Đông y gọi chung là chứng Âm hư Hỏa vượng (hay sốt về chiều, mờ mắt, mắt đỏ, khô cổ, ù tai, đau lưng, hay lở miệng, hay ho, suyễn, viêm họng, viêm xoang mạn).

Dịch Cân Kinh có thể chữa các chứng này bằng cách kích thích các đường kinh âm để sinh âm, bồi bổ âm khí. Chính tư thế của liệu pháp cũng bảo đảm nguyên tắc thượng hư hạ thực (như thư giãn phần vai, cứng chắc phần hạ bộ, nhíu hậu môn, bám các đầu ngón chân…) là biện pháp điều trị hữu hiệu với những chứng hư hỏa. Nguyên tắc này đòi hỏi người tập luôn giữ cho phần trên của cơ thể được thư giãn về hình, hư linh về ý. Ngược lại, phần dưới phải đầy đặn, cứng chắc nhằm đưa trung tâm lực của cơ thể dồn xuống.

Dịch Cân Kinh cũng giúp điều hòa thần kinh giao cảm

Khoa học hiện đại cho biết trên 50% bệnh tật của con người là do những cảm xúc âm tính gây ra. Chính tâm lý căng thẳng do tình chí uất ức hoặc nhịp sống quá nhanh trong một thời gian dài dễ làm thần kinh quá tải, suy nhược và rối loạn. Sự rối loạn này làm cơ thể mệt nhọc, ăn ngủ kém ngon, giảm sức đề kháng, dễ sinh bệnh tật hoặc làm trầm trọng thêm những chứng bệnh đã có. Nếu tập trung tư tưởng vào nhịp vẫy tay, người tập sẽ mất đi những cảm xúc khó chịu thường ngày. Đó là nguyên tắc dùng một niệm để chế vạn niệm.

Theo học thuyết Paplov, khi ta gây hưng phấn ở một điểm và một vùng nhỏ thì những phần còn lại của vỏ não sẽ rơi vào trạng thái ức chế, nghỉ ngơi. Áp dụng những nguyên tắc này, việc tập trung vào vẫy tay sẽ điều hòa được thần kinh giao cảm, phục hồi tính tự điều chỉnh, tự hoàn thiện vốn có của hệ thần kinh trung ương.

Tập Dịch Cân Kinh có gây phản ứng nguy hiểm gì không?

Dịch Cân Kinh – Phất thủ liệu pháp có tác dụng kích thích, xúc tiến để cơ thể tự khai thông, tự chỉnh lý; nó không vận khí, không cưỡng cầu nên hiếm khi xảy ra sai lệch. Trong quá trình tập, người tập có thể đau, tức, ngứa ngáy, co giật do việc khai mở một số huyệt vị trên đường kinh hoặc công phá một tổ chức bệnh trước khi những chỗ bế tắc này bị thải trừ hết. Thông thường, những phản ứng trên sẽ tự chấm dứt sau một vài ngày.

Do không rơi vào nhập tĩnh nên khó xảy ra trường hợp người tập bị ảo giác làm rối loạn tâm lý. Dịch Cân Kinh tác động kích thích đồng thời các huyệt bách hội, hội âm và trường cường. Do đó, bách hội và hội âm tạo ra những van an toàn để trung hòa với chân hỏa phát sinh từ trường cường, khó xảy ra trường hợp chênh lệch thái quá giữa âm và dương nên không gây nguy hiểm cho người tập.

Dịch Cân Kinh tuân thủ nguyên tắc thượng hư hạ thực và tâm ý quán chiếu Đan điền, khiến năng lượng của cơ thể không chạy lên đầu gây tổn thương cho não, không xảy ra những chứng trạng mà người ta thường gọi là tẩu hỏa nhập ma.


Luyện Dịch Cân Kinh đạt được 4 tiêu chuẩn sau:

– Nội trung: Tức là nâng cao khí lên, then chốt là điều chỉnh tạng phủ. Lưu thông khí huyết. Thông khí sẽ thông suốt lên đến đỉnh đầu

 – Tứ trưởng tố: Tức là tứ chi phối hợp với các động tác theo đúng nguyên tắc theo luyện tập. Tứ trung tế song song với nội trung sẽ làm cho tà khí bài tiết ra ngoài, trung khí dồn xuống, cơ năng sinh sản ngày càng mạnh

 – Ngũ tam phát: Nghĩa là 5 trung tâm của nhiệt dưới đây hoạt động mạnh hơn lúc bình thường. Khi tập Dịch Cân Kinh 5 huyệt (1 huyệt Bách hội trên đỉnh đầu, 2 huyệt Lao Cung ở hai lòng bàn tay, 2 huyệt Dũng Tuyền ở hai lòng bàn chân) hoạt động mạnh hơn bình thường, làm thông suốt mạch Nhâm Đốc và 12 đường kinh, các cơ quan không bị trì trệ, âm dương thăng bằng, cơ thể thịnh vượng, tiêu trừ các bệnh nan y mà ta không ngờ.

  – Lục phủ minh: Đó là ruột non, ruột già, mắt, dạ dày, bong bóng, tam tiêu sẽ thông suốt, nghĩa là không trì trệ. Lục phủ có nhiệm vụ thâu nạp thức ăn, tiêu hóa, bài tiết được thuận lợi nếu không bị trì trệ, ứ đọng, cơ năng sinh sản có sức tiếp, giữ vững trạng thái bình thường của cơ thể tức là Âm Dương thăng bằng, cơ thể khoẻ mạnh.


Những phản ứng khi luyện Dịch Cân Kinh:

Khi luyện tập, cơ thể sẽ có những phản ứng, nhưng tất cả đều là hiện tượng thải bệnh, không nên lo nghĩ. Liệt kê 34 phản ứng thông thường và còn nhiều phản ứng không kể hết được.

1) Đau buốt.
2) Tê dại.
3) Lạnh.
4) Nóng.
5) Đầy hơi.
6) Sưng.
7) Ngứa.
8) Ứa nước giải.
9) Ra mồ hơi.
10) Cảm giác như kiến bò.
11) Giật gân, giật thịt.
12) Đầu khớp xương có tiếng lục cục.
13) Cảm giác máu chảy dồn dập.
14) Lông tóc dựng đứng.
15) Âm nang to lên.
16) Lưng đau.
17) Máy mắt, mi giật.
18) Đầu nặng.
19) Hơi thở nhiều, thở dốc.
20) Nấc.
21) Trung tiện.
22) Gót chân nhức như mưng mủ.
23) Cầu trắng dưới lưỡi.
24) Đau mỏi toàn thân.
25) Da cứng, da dày rụng đi (chai chân).
26) Sắc mặt biến đi.
27) Huyết áp biến đổi.
28) Đại tiện ra máu.
29) Tiểu tiện nhiều.
30) Nôn, mửa, ho.
31) Bệnh từ trong da thịt bài tiết ra.
32) Trên đỉnh đầu mọc mụt.
33) Ngứa từng chỗ hay toàn thân.
34) Chảy máu cam.

Các phản ứng trên đây là do trọc khí bài tiết ra ngoài cơ thể, loại trừ các thứ ứ đọng gọi là bệnh tật. Khi có sự phản ứng là có sự xung đột giữa chánh khí và tà khí, nếu ta vẫn tập luyện sẽ sản sinh các chất bồi bổ có lợi cho chánh khí. Ta tập đúng cách và làm tăng sức đề kháng, nó đẩy cặn bã trong cơ, gan, thần kinh và các tế bào khác mà mạch máu lưu thông bình thường không thải nổi.

Như luyện tập Dịch Cân Kinh mà khí huyết lưu thông mới đưa nổi cặn bã ra ngoài nên sinh ra phản ứng. Vậy không nên lo sợ, cứ tiếp tục luyện tập như thường. Có một phản ứng hiển nhiên là khỏi một căn bệnh, cứ tập luyện đều đặn sẽ đạt hiệu quả tốt.


Một số điều cần lưu ý khi luyện tập:

1) Số lần vẫy tay trong 1 buổi tập:

Không giới hạn, nên trên 800 lần. Từ 800 lần lên dần 1800 lần (khoảng 30 phút) mới tới ngưỡng cửa của điều trị.

Thời gian buổi tập phải đều, không nên lúc nhiều lúc ít, phải đủ 30 phút mới là đạt yêu cầu cho một lần tập. Ban đầu vẫy tay số lượng ít để cho quen, số lần vẫy tay sau tăng dần: từ 800 lần đến 1800 lần cho một bài tập. Tập được đến khoảng 20 phút mà thấy trung tiện nhiều chứng tỏ hiệu quả tập rất tốt.

1800 lần trong một buổi tập là có tác dụng chữa bệnh tốt, có thể tập nhiều hơn. Khi tập thấy ăn ngon, ngủ tốt , đại tiểu tiện bình thường, tinh thần tỉnh táo là số lần tập phù hợp với sức khỏe của ta.

Có thể quy đổi số phút ra số lượng vẫy, dựa trên bảng sau:

  • 5 phút = 300 cái
  • 10 phút = 600 cái
  • 15 phút = 900 cái
  •  20 phút = 1200 cái
  • 25 phút = 1500 cái
  • 30 phút = 1800 cái

2) Số buổi tập:

Tập đều. Khi đã tập thì tập thường xuyên, tập hàng ngày kể cả các ngày lễ, tết. Bài tập thường sẽ có hiệu quả sau 3 đến 6 tháng tập liên tục. Nếu tập gián đoạn vì một lý do nào đó thì hiệu quả không cao, dẫn đến mất niềm tin vào bài tập. Vì vậy cần phải kiên trì duy trì bài tập hàng ngày ít nhất vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.

Tuỳ theo lịch sinh hoạt, nên tập ít nhất 1 lần trong ngày. Để chữa bệnh nên tập chia ra thành 3 lần:

  • Sáng thành tâm tập mạnh – Trưa trước khi ăn tập vừa – Tối trước khi ngủ tập nhẹ.

Điều quan trọng ở đây là: thường xuyên luyện tập mỗi ngày và đúng phương pháp.

3) Có thể tập nhiều tùy theo bệnh trạng:

Có bệnh nhân nâng số vẫy tay tới 5000-6000 lần trong một buổi tập. Nếu sau khi tập thấy ăn ngon ngủ tốt, tiểu và đại tiện thấy điều hòa, tinh thần tỉnh táo, thì chứng tỏ số lần vẫy tay khi luyện tập là thích hợp.

4) Tốc độ vẫy tay:

Theo nguyên tắc thì nên chậm. Bình thường thì vẫy 1800 lần hết 30 phút. Vẫy lúc sau hơi nhanh hơn lúc đầu một chút, khi đã thuần thì vẫy hẹp vòng. Bệnh nhẹ thì nên vẫy nhanh và dùng sức nhiều hơn. Bệnh nặng thì nên vẫy hẹp vòng và chậm, bớt dùng sức. Vẫy tay nhanh quá làm cho tim đập nhanh mau mệt, mà chậm quá thì không đạt tới mục đích. Vì luyện tập là cần có mạch máu lưu thông.

5) Khi vẫy tay dùng sức nhiều hay ít (nặng hay nhẹ):

Vẫy tay là môn thể dục chữa bệnh chứ không phải môn thể thao thi đấu. Đây là môn thể dục mềm dẻo, đặc điểm của nó là dụng ý không dùng sức, nhưng nếu vẫy tay nhẹ quá cũng không tốt, bởi vì bắp vai không vẫy mạnh thì lưng và ngực không chuyển động nhiều, tác dụng sẽ giảm đi, phải làm sao cho cho bả vai, lưng, ngực chuyển động làm cho cơ hoành lên xuống mới có tác dụng.

Vẫy tay không chỉ có chuyển động cánh tay mà chính yếu là chuyển động hai bắp vai, khi vẫy ra sau thấy hai vai co lên xuống. Bệnh phong thấp thì dùng sức ở mức nhẹ và vẫy tay chậm. Nói tóm lại, phần lớn tự mình nắm vững tình trạng, phân tích các triệu chứng sau khi nghe sự nhận xét của mọi người, tự mình cảm nhận sự biến chuyển trong cơ thể, nhanh nhẹn, hồng hào, tươi tỉnh hay là xấu hơn trước.

Lúc mới tập người bệnh nhẹ có thể vẫy nhanh vòng rộng, dùng sức nhiều, với người bệnh nặng vẫy chậm hơn, vòng hẹp, dùng ít sức. Vẫy nhanh quá thì tim đập quá nhanh, nhẹ quá thì không có tác dụng làm cho máu lưu thông.

Ngoài ra nếu mới tập hoặc người không khoẻ (buổi sáng dậy còn thấy uể oải), có thể đánh vòng tay hẹp, tốc độ chậm, tay hất ra đằng trước thấp. Sau khi đánh được một lúc, cơ thể cảm thấy tươi tỉnh và khoẻ khoắn hơn thì đánh vòng tay lớn hơn, tốc độ nhanh, tay hất ra đằng trước cao.

Tự mình suy nghĩ rồi quyết định cách cách tập trên nguyên tắc là tập thế nào cho cảm thấy thoải mái, dễ chịu là đúng và tốt nhất.

6) Trên trước 3 – Sau dưới 7:

Khi vẫy tay về phía sau dùng sức 7 phần, khi trả tay về phía trước thuộc về quán tính còn chừng 3 phần. Ngoài ra, độ vững chắc của nửa trên cơ thể 3 phần (thả lỏng) thì phía dưới là 7 phần (ngón chân bám chặt đất, hậu môn thắt).

7) Đếm số lần vẫy tay:

Đếm không phải để nhớ mà có tác dụng làm cho đầu óc bình tĩnh, có tác dụng tốt cho não được căng thẳng và không nghĩ ngợi lung tung. Chân Âm được bồi dưỡng.

8) Hoàn cảnh khi luyện tập (nơi chốn):

Không có gì đặc biệt về chỗ tập, tập ở đâu cũng được, trong nhà, ngoài trời. Dĩ nhiên nơi nào có dưỡng khí trong sạch và yên tĩnh vẫn tốt hơn. Khi tập lỗ chân lông sẽ nở nên phải tránh nơi có gió lùa, tránh đứng đầu ngọn gió cả mùa hè lẫn mùa đông.

Nên mang dép, tránh không để khí lạnh có cơ hội xâm nhập vào lòng bàn chân.

9) Trước và sau khi tập:

Trước khi tập, đứng bình tĩnh cho tim được thoải mái, đầu óc được yên tĩnh để chuyển hóa về sinh lý và tâm lý. Ta có thể làm những động tác nhẹ nhàng thoải mái như trong môn khí công. Sau khi tập cũng phải bình tĩnh vê 10 đầu ngón tay và 10 đấu ngón chân đủ 9 lần. Người hay nóng vội nên cần chú ý đến điểm này.

10) Luyện tập Dịch Cân Kinh đúng phép:

Sau khi tập thấy ngứa và bụng nhẹ nhàng, hơi thể điều hòa, mắt sáng, nước giải ứa ra nhiều, đại tiện dễ dàng, ăn ngon ngủ tốt, tinh thần tỉnh táo, bệnh tật bớt dần, thì đó là đã luyện tập Dịch Cân Kinh đúng phép.

Rất ít khi tập sai, mà chỉ có tác dụng nhiều ít khác nhau. Sau khi tập, đại đa số thấy có phản ứng nhưng về hiệu quả thì rất khác nhau. Nguyên nhân chính là khi tập, tư thế có thích hợp với người tập hay không.

11) Sự liên quan giữa tinh thần và hiệu quả khi tập luyện:

Hết lòng tin tưởng, kiên quyết tới cùng. Tập đủ số lần nhất định, tập thường xuyên thì hiệu quả rất tốt. Nếu khi tập khi nghỉ, không đủ số lần tập nhất định, trong lòng còn nghi hoặc, bị động theo dư luận, thấy phản ứng lo sợ vội bỏ tập thì nhất định không kết quả.

Cần vững tin khi luyện tập, không hoang mang, lạc quan với cuộc sống, quyết tâm luyện tập đến nơi đến chốn thì dù bệnh nan y cũng khỏi. Càng để chậm, ngần ngại càng khó khăn và càng lâu khỏi bệnh

12) Vẫy tay có sinh ra bệnh gì không?

Động tác tập vốn rất đơn giản, có thể sinh bệnh do tư thế không đúng và làm sai nguyên tắc, những trường hợp này cũng hạn hữu rất hiếm.

13) Bệnh nhân nặng:

Những người bệnh hoặc có tật ở chân không đứng được vẫn có thể thực hành hiệu quả Dịch Cân Kinh – Phất thủ liệu pháp bằng cách ngồi trên đất hoặc trên ván, vẫy tay ở vị thế cánh tay co lại khoảng 90 độ, tuy ngồi nhưng vẫn phải nhớ thót đít và bấm 10 đầu ngón chân.

Lựa ghế không quá cao để khi ngồi bàn chân chạm đất, không có phần tựa lưng để tay vẫy từ trước ra sau không bị vướng. Mang dép, thực hiện nhíu mông, co lưỡi và vẫy tương tự với cách đứng.

14) Chống chỉ định:

Những người đang ngoại thương không được phép tập, vì máu lưu thông mạnh làm vết thương há miệng, khó lành.

15) Tập trung:

Nếu quá trình luyện tập không tập trung tư tưởng thì khí huyết sẽ loạn xạ và không chú ý đến trên nhẹ dưới nặng là sai và hỏng.

16) Cách nhẩm đếm đỡ lẫn lộn:

  • Từ 1 – 100 : đếm bình thường
  • 101 : một không một
  • ….110 : một mười
  • 111 : một mười một
  • ….201 : hai không một
  • Nghĩa là đếm thêm số hàng trăm vào đầu thì sẽ không bị lẫn lộn nữa, giống đọc số điện tử.

Tóm lại, cần lưu tâm vào những điều sau:

  • Nửa thân trên buông lỏng (thượng hư), lưỡi chạm nướu trên
  • Nửa thân dưới giữ chắc, căng mạnh (hạ thực)
    • Thắt hoặc co hậu môn thật mạnh để giữ thế “thượng thư hạ thực”, bám chặt các ngón chân vào mặt đất
  • Vẫy tay từ ít tới nhiều và phải đạt 1800/lần mới có hiệu quả chữa bệnh.
    • Khi tay trả lại phía trước, không dùng sức (nhẹ)
    • Tay vẫy về phía sau bằng bả vai dùng sức (nặng, mạnh)
    • Thẳng lưng, lúc tay vẫy ra đằng trước nếu chân không gồng cứng và bấm xuống có thể khiến cơ thể hơi chúi về phía trước
  • Mỗi lần tập tăng dần số lần vẫy tay
  • Tâp ngày 3 buổi, kiên quyết tự chữa bệnh cho mình.
  • Khi gặp phản ứng đừng ngại, đó là diễn biến tốt, cứ tập số lần như cũ. Khi hết phản ứng hãy tăng số lần vẫy tay lên.
  • Giữ vững lòng tin, kiên trì quyết tâm tin tưởng, tập luyện tới cùng, chắc chắn sẽ đẩy lùi các bệnh tật ta đang mắc phải.
  • Luyện tập Dịch Cân Kinh không chỉ chữa khỏi bệnh mà còn là một phương pháp phòng bệnh rất hữu hiệu.

Ghi Chú:

Tài liệu Dịch Cân Kinh này được sưu tầm và tổng hợp từ nhiều nguồn trong đó chính yếu từ tài liệu của cụ lương y Trần Văn Bình, người đã phổ biến và đưa tài liệu cho Phạm Viết Hồng Lam, 43 tuổi (Giảng viên Hội Họa trường Cao đẳng Sư Phạm Nhạc Họa) để tự chữa khỏi bệnh.

Hồng Lam bị ung thư vòm họng ở giai đoạn II, lâm vào một tình thế bế tắc. Anh đã được cụ Bình trao tập tài liệu luyện tập Dịch Cân Kinh này, và anh đã luyện tập để tự chữa bệnh. Điều thần diệu đã đến, sau 3 tháng luyện tập, bệnh của anh đã khỏi hẳn và sức khoẻ ngày một tăng không ngờ (Tài liệu được trao ngày 7/2/1989, anh tập đến tháng 5/1989 thì hết bệnh).

Sau khi hết bệnh, anh Hồng Lam kể lại quá trình luyện tập chữa bệnh của mình cho bạn bè thân thuộc nghe, đồng thời anh cũng giới thiệu tập tài liệu này trên báo Hà-Nội Mới để chứng minh cho điều mình đã kể cũng như để cho đồng bào cả nước cùng biết. Tài liệu này đã trích lại từ tờ báo đó.

(sưu tầm & tổng hợp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *