Bài Học Cuộc Sống, Sưu Tầm

Lời ngắn ý dài

Lời ngắn ý dài

1. Một vị Sư hỏi đệ tử: Con thấy một thỏi vàng và một đống bùn nhão thứ nào hơn?

Đệ tử: Thưa thầy, đương nhiên là thỏi vàng hơn rồi ạ! Thiền sư cười và nói: Nếu như con là một hạt giống thì sao?
Giá trị bởi nhu cầu, nhu cầu bởi thực tại. Nhiều khi đặt ngược lại vấn đề sẽ thấy mình thư thái.

2. Sư thầy hỏi đệ tử: Thế gian này điều gì là trân quý nhất?

Đệ tử, thưa sư phụ đó chính là thứ yêu quý nhất đã mất đi không thể tìm lại được và là thứ mình ước muốn, cố gắng mãi mà chưa có được. Hòa Thượng không nói gì… Sau thời gian xảy ra nhiều biến cố. Sư phụ hỏi lại đệ tử câu hỏi cũ, đệ tử trả lời: Thế gian không có gì trân quý hơn là thứ chính mình đang có ạ!

3. Một thanh niên trẻ tuổi hỏi nhà sư: Thưa ngài, có người khen con là thiên tài nhưng cũng có người mắng con là đại ngốc, vậy nhà sư thấy con thế nào? Nhà sư chưa trả lời mà hỏi lại người thanh niên: Vậy tự anh cho anh là thế nào ? Người thanh niên nghe xong câu hỏi không biết nói sao.

Vị sư nói: một túi gạo, nếu đưa cho người đầu bếp, sẽ nấu thành cơm. Nếu đưa cho thợ làm bánh thì sẽ làm ra những chiếc bánh gạo thơm ngon. Nếu đưa cho người nấu rượu thì không lâu sẽ ra rượu nồng, làm thăng hoa người thi sỹ hoặc say xỉn kẻ bê tha. Là gạo mà vào tay người khác nhau cho ra những sản phẩm hữu dụng khác nhau. Người cũng vậy, là người tài năng hay ngốc nghếch đều do mình biết đặt cái hữu dụng của mình vào ai, trong hoàn cảnh nào.

4. Một thanh niên hỏi vị cao nhân: Làm thế nào để luôn vui vẻ và đem lại niềm vui cho người khác?

Vị cao nhân trả lời: Có bốn cảnh giới do người chọn trong ứng xử để mình vui và người cũng vui. Thứ nhất: “Coi mình là người khác” là cảnh giới “vô ngã”. Thứ hai: “Coi người khác là chính mình” là cảnh giới “từ bi”. Thứ ba: “Coi người khác là bản thân họ” là cảnh giới “trí tuệ”. Thứ tư: “Coi mình chính là mình trước mọi hoàn cảnh” là cảnh giới “tự tại”, anh chọn cảnh giới nào anh sẽ có niềm vui đó cho mình và cho người.

5. Vị sư nọ có một đệ tử rất hay phàn nàn. Một hôm vị sư lấy một thìa muối đổ vào cốc nước và bảo đệ tử uống.

Nhấp một ngụm nhỏ, đệ tử nói: Mặn như vậy con làm sao uống được? Không nói gì, vị sư lấy thìa muối cho vào một vại nước và bảo đệ tử uống. Đệ tử sau khi uống một bát nước trong vại và nói: Thưa thầy nước vẫn ngọt.

Vị sư bấy giờ mới nói: Tâm con người với điều bất như ý giống như cốc nước, vại nước bỏ thìa muối. Con tu tâm làm một cốc nước hay làm một biển nước trước đối cảnh cuộc đời.

(st)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *