Bài Học Cuộc Sống, Sưu Tầm

Từ bi, tha thứ, và nâng đỡ

Scenery with old temple against karst formation in fog. Stone bridge over lake leading to Bich Dong Pagoda. Popular tourist destination in Ninh Binh province, Vietnam

Một giai thoại kể rằng, chú tiểu nọ có tật xấu hay ăn cắp vặt và lúc nào cũng cãi chối. Nhiều lần các huynh đệ trình báo cho sư phụ biết, nhưng không thấy sư phụ nói năng gì cả.

Một hôm bắt gặp quả tang, các huynh đệ liền áp giải chú tới trước sư phụ và cùng quỳ xuống kiến nghị: “Nếu sư phụ không đuổi sư em này đi thì tất cả chúng con sẽ bỏ đi hết”.Nhìn qua một lượt thấy nét mặt người nào cũng rất căng thẳng vì ấm ức, còn riêng sư em thì rơm rớm nước mắt vì lo sợ, vị sư phụ liền ôn tồn nói: “Ta thấy các con đã đủ khôn lớn để chọn lựa việc phải trái nên các con muốn đi đâu thì đi, ta không ngăn cản vì không phải bận tâm nữa. Riêng sư em này còn nhỏ dại quá, chưa biết tội phước là gì nên phải cần ở lại với ta”.

Khi ấy chú tiểu bật khóc nức nở và các huynh đệ kia ai nấy cũng đồng cảm kích trước tấm lòng vị tha cao cả của sư phụ. Các huynh đệ đó đã hiểu ra rằng nếu có người phạm lỗi là đón nhận bản án bị đuổi đi ngay lập tức, thì chắc chắn trong tương lai sẽ khó có ai được ở lại tu tập bền lâu với sư phụ cả, vì ai mà không có những giây phút lỗi lầm. Về sau, chú tiểu kia trở thành một trong những thiền sư lỗi lạc và danh tiếng nhất thời bấy giờ. Sống mà chỉ biết dựa vào những nguyên tắc cứng nhắc thì làm sao điều phục được con người, vì nguyên tắc vốn cố định còn bản tính con người thì muôn hình vạn trạng và liên tục đổi thay.

Phải có một nhận thức thấu đáo và nội lực vững vàng thì ta mới làm được cái quyết định sấm sét như vị sư phụ đó. Ông đã không ngại người ngoài hiểu lầm chê trách, cũng không lo sợ các môn đồ bất mãn bỏ đi. Ông thà chịu mất lòng người khác chứ không thể làm trái ngược với đạo lý từ bi mà ông đang sống và giảng dạy cho môn đồ. Mà cũng không phải vì đạo lý hay nguyên tắc nữa, đó chính là tình thương vô điều kiện của một người đã vượt thoát ra ngoài sự khống chế và trói buộc của phiền não. Ta có làm được như vị sư phụ đó không?

Chỉ cần một nhận thức đúng đắn về nguyên nhân sâu xa của kẻ gây ra lầm lỗi, có một trái tim đủ lớn để sẵn sàng chứa đựng thì tha thứ sẽ không còn là sự thực tập khó khăn nữa, vì bản chất của nó vốn tùy thuộc rất ít vào đối tượng. Biết đâu nhờ vào lòng vị tha của ta mà kẻ kia tỉnh ngộ và thay đổi cuộc đời, đó chẳng phải là việc làm cao cả của một bậc trượng phu sao?

(st)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *