Bài Học Cuộc Sống, Sưu Tầm

5 chìa khóa vàng mở toang cánh cửa bế tắc

Forest Spring Leaves Green  - analogicus / Pixabay
analogicus / Pixabay

Đời là bể khổ, nhân sinh là đau thương, không một ai sinh ra và trưởng thành chỉ có hanh thông, vui vẻ. Bế tắc là chìa khóa của cuộc sống, mở ra hoặc đóng lại cánh cửa cuộc đời một ai đó. Cách vượt qua bế tắc, cho những ai còn đang chơi vơi giữa dòng đời.

1. Trải nghiệm mất mát, thấu hiểu đau thương

Nếu cuộc đời chỉ có hoa hồng, thì con người biết gì đến khổ đau. Nếu cuộc đời thập toàn thập mĩ, thì còn ai phải trải qua mất mát. Nhưng nếu đời quá bằng phẳng, thì cũng không có những con người mạnh mẽ, những người “đức năng thắng số”, những người dời non lấp bể, làm nên kì công. Thế nên, mất mát là để lấp đầy, đau thương là để xoa dịu, phải từng trải mới thấm thía và trân trọng.

Phật dạy rằng, trên đời không ai là không có khuyết điểm, bản thân có khuyết điểm, những người xung quanh cũng có khuyết điểm. Làm người cần nhất là thấu hiểu và bao dung, thấu hiểu khuyết điểm của bản thân mình, bao dung với khuyết điểm của người khác. Biết như vậy thì gặp chuyện không gục ngã, gặp khó không thoái lui.

2. Vững tâm bền trí

Người thành công khác với người thất bại không phải ở chỗ họ chưa bao giờ thất bại, mà là dù họ có thất bại bao nhiêu lần cũng có can đảm đứng lên làm lại. Cuộc sống không đánh gục ai, chỉ có tự ta đánh gục chính ta. Sóng gió không khiến ai phải bế tắc, chỉ có tự tâm ta bế tắc.

Thanh tịnh từ tâm, muôn sự đều đạt, tu thân dưỡng tâm để thần trí tỉnh táo, suy nghĩ tích cực, luôn hướng tới tương lai tốt đẹp và tin tưởng vào bản thân. Đừng để bi quan làm mờ mắt bạn. Ánh sáng không nằm ở cuối con đường, ánh sáng chính ở trong tim ta. Đó chính là cách vượt qua bế tắc, làm chủ vận mệnh.

3. Tự trọng, tự thân

Người sống trên đời cần nhất là tự trọng, vũ khí mạnh nhất trên đời chính là tự thân. Vì thế, muốn cải thiện số mệnh, vượt qua những đau khổ và thất bại, phải nắm chắc hai điều này.

Tự trọng để đối trị với tâm sân hận, tự thân để chống lại với lòng người hiểm ác. Khi bản thân nhận ra giá trị của bản thân, nhìn nhận thẳng thắn vào ưu khuyết của mình, không đề cao nhưng cũng không hạ thấp cái “tôi” thì không một bế tắc nào đánh gục được. Nếu bạn tự trau dồi khả năng, tự lực tự cường, trở thành người có bản lĩnh thì không một hung hiểm nào loại trừ được.

Và hơn hết, bạn tự trọng để thanh tâm, tự thân để thanh tỉnh, bản thân không còn vướng mắc, phụ thuộc thì không còn bế tắc.

4. Thân tâm an lạc, vãn cảnh chùa chiền

Dù mạnh mẽ đến đâu con người cũng cần một chỗ dựa, dù bôn ba đến đâu con người cũng cần một chốn bình an để nương tựa tâm hồn. Khi dòng đời quá khắc nghiệt, khi bao gió quá phong ba, hãy gửi thân nơi cảnh chùa, gửi tâm nơi Phật pháp. Ngồi thiền, ăn chay, nghe giảng kinh sẽ giúp bạn buông bỏ phiền não, cân bằng tâm hồn, là liệu pháp tinh thần đặc biệt hiệu quả.

5. Hiểu về nhân quả, nghiệp báo

Nhân duyên là ý trời, mọi sự việc diễn ra đều có cơ duyên. Quả hôm nay bạn gặp là do nhân hôm qua bạn gieo, bế tắc hôm nay bạn phải mang là do những điều từng làm trong quá khứ. Và nếu hôm nay bạn gieo hạt lành thì ngày mai ắt thu được quả tốt. Thấu hiểu điều này, tâm thế sẽ thoải mái và vui vẻ hơn.

Cuộc đời có vay có trả, có được có mất, nhắm mắt xuôi tay cũng trở về với cát bụi. Trải qua trăm cay ngàn đắng mới được làm kiếp con người, hãy sống sao cho bản thân cảm thấy xứng đáng và không có điều gì phải ân hận. Đừng biến bế tắc thành cánh cửa nhà giam, sai lầm hôm nay tiếp nối sai lầm hôm qua. Hãy để nó trở thành chìa khóa khép lại cánh cửa quá khứ và mở ra tương lai tốt đẹp hơn.

(st)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *